12:46 07/04/2007

“Tôi đang ngồi trên lưng cọp!”

Hỏi chuyện ông Ngô Duy Tân, chủ nhà máy bia Pacific, người được mệnh danh là người nuôi cọp số 1 Việt Nam

Ông Ngô Duy Tân và một chú cọp nhỏ.
Ông Ngô Duy Tân và một chú cọp nhỏ.
Nhìn ông, nét mệt mỏi, căng thẳng hiện rõ lên khuôn mặt. Tiếp phóng viên tại nhà riêng ở lầu 4, ông nói vội vã, mắt luôn nhìn đồng hồ, chiếc điện thoại liên tục reo.

“Tôi bận quá, không còn thời gian nghỉ ngơi, vừa lo xây dựng công trình, vừa lo vụ đàn cọp”, nhà doanh nhân nói.

“Vụ cọp làm tôi bị thiệt hại nặng nề. Đối tác nước ngoài cho rằng, tôi là một người phạm pháp nên không “chơi” với tôi nữa. Rồi tôi không còn thời gian để tiếp tục thi công khách sạn 5 sao của tôi nữa

Ông chính là Ngô Duy Tân, chủ nhà máy bia Pacific, người được mệnh danh là người nuôi cọp số 1 Việt Nam với 24 con. Và hiện giờ, sự nổi tiếng bất đắc dĩ này đang “hành hạ” ông từng ngày…

Nổi tiếng bất đắc dĩ!

Thưa ông, phải chăng đây là một giai đoạn khó khăn trong cuộc đời ông khi đàn cọp của ông có thể bị tịch thu?

Tôi không cho rằng đây là giai đoạn khó khăn, mà là lúc sóng gió thì đúng hơn. Nó không giống sự khó khăn khi tôi khởi nghiệp làm doanh nhân, chủ quán nhậu hay mở nhà máy sản xuất bia. Điều lạ nhất là những rắc rối (việc nuôi cọp) lại không xuất phát từ công việc kinh doanh của tôi mà một việc làm từ tình yêu loài vật. (cười)

Ông là một doanh nhân, sự nổi tiếng ngoài mong muốn này có ảnh hưởng đến công việc kinh doanh không?

Tôi bị thiệt hại nặng nề và có thể ảnh hưởng lâu dài. Thứ nhất, các đối tác của tôi ở nước ngoài đã ngừng mọi giao dịch với tôi khi họ xem thông tin về tôi trên báo chí, công luận. Họ cho rằng, tôi là một người phạm pháp nên không “chơi” với tôi nữa.

Thứ hai, hiện tôi không còn thời gian để tiếp tục thi công khách sạn 5 sao của tôi nữa. Mà thực tế, công trình chậm một ngày, tôi sẽ bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng tiền lãi vì tôi phải đi vay vốn ngân hàng để xây dựng khách sạn.

Chưa kể, tôi còn bị thất thu vì chậm đưa công trình vào sử dụng.

Còn cuộc sống gia đình?

Có lẽ, người khổ nhất là các con tôi vì chúng còn bé. Đến trường, bị các bạn rêu rao “ba mày sắp bị công an bắt vì vi phạm pháp luật”, cháu không học nổi, chỉ biết khóc. Đứa thì không dám đi học thêm vì ngại, nằm ở nhà suốt ngày. Đứa lớn thì đỡ hơn vì hiểu việc cha làm, cháu thường lên mạng tìm tài liệu và thảo đơn giúp tôi.

Ước mơ một khu bảo tồn!

Ông từng kể năm 2000, ông bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua 6 cọp con bệnh tật từ người bán dạo. Hành động này xuất phát từ đâu vì thời điểm đó, ông cũng chưa dư dả gì?

Đơn giản là từ tình thương loài vật. Nếu tôi nuôi chúng để nấu cao, để bán kiếm lợi thì tôi chả dại gì báo cáo với các cơ quan quản lý. Cho đến bây giờ, tôi vẫn xác định những con cọp này là tài sản chung của đất nước. Tôi chỉ là người nuôi hộ vì yêu chúng.

Ngày mua chúng, tôi cũng đã hứa với vị Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương lúc bấy giờ “nuôi đàng hoàng, không kinh doanh buôn bán, giết thịt…”.

Ngoài tình yêu loài vật, ông còn mục đích khác với bầy cọp?

Một bầy cọp đẹp như tranh, một khu bảo tồn tư nhân đầu tiên ở Việt Nam cho các loài thú quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng… thích chứ! Ở đây, mình vừa làm công tác bảo tồn, vừa làm khu du lịch cho khách tham quan. Lấy tiền vé để nuôi dưỡng chúng, tại sao không làm! Chắc chắn, những con cọp ở khu bảo tồn sẽ giống cọp hơn các con cọp ở sở thú hiện nay.

Trước đây, năm 2002, tôi có mua một khu đất rừng 20 hecta, sau đó làm đơn gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Văn phòng CITES Việt Nam xin thành lập trại nuôi sinh sản động vật hoang dã, nhưng tiếc rằng, không ai trả lời đơn của tôi.

Cho đến nay ông đã có thâm niên 7 năm nuôi cọp, bầy cọp sinh sôi nảy nở nhiều hơn bất kỳ các trung tâm nào thuộc Nhà nước. Chắc chắn ông không chỉ mát tay hay may mắn?

Năm 1970, tôi cầm súng đi vào Nam chiến đấu. Có một thời gian dài, đơn vị tôi đóng quân tại nhà một người dân ở Campuchia nuôi cọp. Thấy họ nuôi thú dữ, tôi thích lắm nên hàng ngày lân la hỏi thăm cách thức chăm nuôi, chữa bệnh.

Nhưng nhúm kiến thức này vẫn chưa đủ, lúc đầu nuôi cọp, tôi phải thường xuyên nhờ Vườn bách thú Hà Nội và Thảo Cầm Viên Tp.HCM tư vấn, hướng dẫn từng tí một. Điểm nào bí, tôi tìm sách đọc. Có lứa, tôi cho cọp con ăn nhiều quá nên có con chết vì bội thực. Tất cả đều phải trả giá.

Vừa qua, khi báo chí đăng ảnh một con cọp bệnh hoạn, tiều tuỵ đang bị nhốt ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã ở Sóc Sơn, Hà Nội tôi thấy áy náy quá! Nếu được, tôi đề nghị đưa con cọp đó về đây, tôi hứa sẽ chăm sóc nó khoẻ mạnh trở lại như những con cọp tôi đang nuôi ở trại.

Ông có thể ước tính đã bỏ bao nhiêu tiền cho bầy cọp?

Tôi không nhớ chi tiết nhưng chúng đã “đốt” của tôi hàng chục tỉ đồng. Mấy năm nay, mỗi tháng, tiền ăn cho bầy cọp mất khoảng trăm triệu, tiền đầu tư mua gần 1 hecta đất và xây chuồng trại cỡ 6 tỉ. Tôi còn nhớ bốn năm trước, lúc công việc kinh doanh chưa mạnh, tôi phải đi vay lãi để mua thịt, không để cọp đói. Nghĩ lại mà thấy xót con mình, buổi sáng đi học phải ăn cơm nguội, vì mỗi đứa chỉ được phát từ 2 đến 5 ngàn một ngày. Trong khi một con cọp trưởng thành mỗi ngày ăn hết 3 con gà, khoảng 300 ngàn đồng.

“Tôi sẽ làm cho ra lẽ”!

Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn “nhất nhất” tịch thu đàn cọp của ông mang đi nơi khác nuôi vì cho rằng ông nuôi nhốt trái phép, ông sẽ giao lại đàn cọp?

Trước hết, đã là công dân tôi phải tuân thủ pháp luật. Quy định của pháp luật là xử lý những hành vi sai phạm như buôn bán, giết thịt… với những động vật hoang dã, quý, hiếm nhằm bảo vệ chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Tôi cho rằng, mình không vi phạm những quy định này bởi lẽ tôi nuôi chúng tử tế, không giết hại, nhân giống thành công. Chẳng lẽ, tôi bỏ bao công sức, đổ tiền tỉ ra nuôi nấng, chăm sóc, yêu thương đàn cọp để… phạm pháp? Trong thâm tâm, tôi vẫn không nghĩ mình phạm pháp. Tôi tin pháp luật sẽ công bằng, hợp tình hợp lý, hợp lòng dân.

Theo quy định, ông vẫn có thể hợp tác với các cơ quan chức năng để nuôi đàn cọp một cách hợp pháp. Tại sao mấy năm qua, ông không hoàn tất thủ tục đăng ký, xin phép với Nhà nước?

Hành trình nuôi cọp của tôi rất công khai, công khai kể từ khi mua 6 cọp con. Tôi đã báo cáo với Bí thư Tỉnh uỷ và Chi cục Kiểm lâm về nguồn gốc. Tôi không phải làm nghề nuôi hay săn bắn, mua bán cọp. Phía kiểm lâm đã thường xuyên xuống theo dõi, lập danh sách đàn cọp.

Năm 2002, tôi gửi đơn xin thành lập trại nuôi sinh sản đến nhiều nơi nhưng không thấy phản hồi. Có những lúc, vì xoay không ra tiền nuôi đàn cọp, tôi đã đề nghị trả lại đàn cọp cho tỉnh nhưng lãnh đạo tỉnh vận động tôi cố mà nuôi. Vườn bách thú Hà Nội xin phép Cục Kiểm lâm trao đổi cọp giống với chúng tôi nhằm tránh hiện tượng trùng huyết, cục vẫn đồng ý cho trao đổi…

Như vậy, nếu nói đàn cọp chỉ có 6 con ban đầu là không có rõ nguồn gốc thì đúng, còn lại chúng đều được Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm thủ tục khai sinh, có nguồn gốc đàng hoàng kia mà!

Tôi cho rằng, cái vướng ở đây chỉ là thủ tục. Nhưng tại sao khi tôi xin phép thì bộ lại im lặng? Đặt giả thuyết, nếu tôi không biết, họ phải hướng dẫn thủ tục cho tôi chứ! Đằng này…! Như thế có phải là thiếu trách nhiệm hay không?

Được biết, đã có nhiều tổ chức quốc tế yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải tịch thu, tiêu huỷ đàn cọp, đồng thời họ đề nghị phải truy tố ông ra toà. Ông sẽ phản ứng lại chứ?

Tôi có đọc lá thư của 5 tổ chức quốc tế đồng gửi cho Chính phủ Việt Nam qua một tờ báo. Nếu đúng là họ viết, tôi sẽ kiện họ ra toà án quốc tế. Bởi trong bức thư đó, họ đã quy kết tôi sai sự thật, và lời lẽ trong thư rất thiếu thiện chí. Điều này làm thiệt hại đến công việc kinh doanh và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tôi và gia đình. Cho dù tôi biết kiện họ sẽ rất vất vả và tốn kém, mất hàng triệu đô la. Song tôi sẽ làm.