18:22 22/09/2015

Tp.HCM tiếp tục tìm hiểu dự án nửa tỷ USD xử lý chất thải

Nhật Nam

Lãnh đạo Tp.HCM muốn tiếp tục nghiên cứu thêm dự án 520 triệu USD xử lý chất thải trên địa bàn

Theo Trisun Green Energy, nếu được triển khai, dự án của công ty chỉ cần khoảng 15 ha để xây dựng nhà máy và xử lý triệt để các loại chất thải mà không cần tới hàng nghìn ha để chôn lấp như cách làm phổ biến hiện nay.<br>
Theo Trisun Green Energy, nếu được triển khai, dự án của công ty chỉ cần khoảng 15 ha để xây dựng nhà máy và xử lý triệt để các loại chất thải mà không cần tới hàng nghìn ha để chôn lấp như cách làm phổ biến hiện nay.<br>
UBND Tp.HCM vừa có thông báo nội dung kết luận chỉ đạo của lãnh đạo thành phố tại cuộc họp nghe báo cáo về đề xuất dự án xử lý chất thải bằng công nghệ Plasma, của công ty Trisun Green Energy (Australia).

Thông báo cho biết, ngày 9/9 vừa qua, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Hữu Tín đã chủ trì họp với các sở ban ngành, các đầu mối liên quan để nghe báo cáo về đề xuất dự án xử lý chất thải bằng công nghệ Plasma của công ty Trisun Green Energy - dự án có tổng vốn đầu tư 520 triệu USD với 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Australia.

Theo kết luận của ông Nguyễn Hữu Tín, xử lý chất thải bằng công nghệ Plasma được đánh giá là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Tuy nhiên, dự án cần nghiên cứu kỹ, làm rõ thêm một số nội dung để đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của thành phố, đồng thời đảm bảo khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư (tránh để nhà đầu tư bị tổn thất hay thiệt hại).

Cụ thể, về quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy, theo đề xuất, thời gian vận hành là 50 năm, là khoảng thời gian dài, do đó vị trí xây dựng phải được xem xét kỹ, đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển dài hạn của thành phố.

Về giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chủ đầu tư đề xuất là 32 USD/tấn (còn thương lượng) và xử lý bùn thải là 60 USD/tấn. Kết luận của đại diện lãnh đạo thành phố cho rằng, đơn giá này không cao so với các nước trên thế giới (cùng công nghệ xử lý), nhưng cần được so sánh, đối chiếu thêm với đơn giá xử lý chất thải trong nước hiện nay, và trong điều kiện ngân sách của thành phố.

Về nguồn chất thải đầu vào của dự án, phải rà soát chặt chẽ tất cả các hợp đồng thành phố đã ký với các nhà đầu tư khác (xử lý chất thải tương tự) để xác định chính xác số lượng nguồn đầu vào có khả năng cung cấp cho dự án, tránh để tình trạng xây dựng xong nhưng nguồn chất thải không cung ứng đủ cho nhà máy xử lý.

Về sản xuất điện từ nhà máy, các bên cũng phải xác định rõ công suất, ai mua và mua như thế nào.

Về khả năng thu hồi vốn, theo báo cáo, đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn, khoảng 520 triệu USD, do đó yêu cầu phải giải trình rõ phân kỳ đầu tư, bài toán thu hồi vốn.

Do đây là dự án có yếu tố đầu tư nước ngoài, nên Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM chủ trì, phối hợp với các sở, ngành khác và chủ đầu tư bổ sung, làm rõ những nội dung trên để báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét, chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu đề xuất dự án, trình UBND Tp.HCM.

Từ 4 năm trước, Trisun Green Energy đã lần lượt trình xin cấp phép, điều chỉnh và bổ sung các điểm cơ quan chức năng yêu cầu, để thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải bằng công nghệ Plasma, với thời gian xây dựng trong 33 tháng và vận hành trong 50 năm.

Theo giới thiệu của chủ đầu tư, nhà máy này sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là Plasma (hiện Việt Nam chưa có công nghệ này): dùng hệ thống đèn Plasma đốt đưa nhiệt độ lên cao từ 3.000 - 7.000 độ trong điều kiện thiếu oxy để tạo năng lượng sét nhân tạo tiêu hủy các loại chất thải. Nhà máy có khả năng xử lý tất cả các loại chất thải (trừ phóng xạ) với công suất xử lý 2.000 tấn chất thải sinh hoạt/ngày; 700 - 1.000 tấn chất thải công nghiệp, nguy hại/ngày; bùn thải các loại từ 1.000 - 2.000 tấn/ngày.

Sản phẩm thu được qua xử lý tất cả các loại chất thải trên là nhiệt năng chuyển hóa thành điện năng để bán lại cho thị trường. Quá trình xử lý và nguyên liệu đầu ra được giới thiệu là không gây nguy hại, không thải ra chất thải phải xử lý tiếp.

Theo Trisun Green Energy, công nghệ trên xử lý được gần như hoàn toàn các loại chất thải, không phải phân loại và kiểu chôn lấp như phổ biến hiện nay. Quỹ đất quy hoạch dự tính cũng chỉ 15 ha, thay vì hàng nghìn ha mà một số nhà máy khác đã và đang triển khai.

Cùng với quá trình xin phép, chủ đầu tư cam kết ký quỹ 5 triệu USD để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ dự án nếu được cấp phép và sẵn sàng mất số tiền ký quỹ này nếu không thực hiện.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Tp.HCM đã phân bổ đủ 7.200 tấn/ngày chất thải rắn sinh hoạt cho các nhà máy đã có. Còn theo chủ đầu tư dự án trên, dự án Plasma chỉ cần đầu vào là phần chất thải tăng thêm ước tính cho những năm tới, ngoài 7.200 tấn đã phân bổ xử lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tính toán, mỗi năm chất thải rắn sinh hoạt của thành phố phát sinh thêm từ 6 - 8%. Nguồn này chưa phân bổ, và ước tính đến 2018 phần tăng thêm đó đủ cho dự án Plasma hoạt động.