08:20 13/10/2012

“Trong đám mây đen”, vẫn “luôn có ánh bạc”

Mạnh Chung

Một cuộc chơi thực thụ sẽ khó chấp nhận những doanh nghiệp know-whom (quen biết) thay vì know-how (bí quyết)

Ông Ngô Trọng Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển thị trường Mancom.<b><br></b>
Ông Ngô Trọng Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển thị trường Mancom.<b><br></b>
Cái tên Ngô Trọng Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển thị trường Mancom và cũng là một cộng tác viên thân thiết của VnEconomy với nhiều bài viết về môi trường kinh doanh, từ lâu không còn xa lạ với những người trong giới marketing.

Cách đây 4 năm, trong một bài trả lời phỏng vấn, ông từng nhìn nhận: khủng hoảng kinh tế là cơ hội để bứt phá, nhưng là với các “đại gia” - hoặc "đại gia" về tiền, hoặc "đại gia" về chất xám! Chúng ta đã nói quá nhiều về mặt trái của khủng hoảng, về những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp, mà đôi khi quên đi câu ngạn ngữ: “Trong đám mây đen luôn có những ánh bạc”.

Và nay, sau 4 năm, nhìn nhận của ông có thay đổi không?


Chúng ta vừa chứng kiến vụ M&A "ngược dòng", trong đó Masan Group mua lại 40% cổ phần của Proconco - một liên doanh của Pháp.

Có thể có nhiều nhận định khác nhau, nhưng theo tôi, đây là một chiến lược mạnh mẽ của một doanh nghiệp trong việc hoàn thiện miếng ghép cuối của họ trong ngành thực phẩm.

Nếu sang Thái Lan, chúng ta sẽ thấy độ phủ của CP - công ty nông sản thực phẩm lớn nhất khổng lồ của nước này, từ thức ăn chăn nuôi, đến trang trại, đến thực phẩm, thậm chí đến suất ăn chế biến sẵn hằng ngày của các cư dân đô thị. CP cũng là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới.

Chúng ta hy vọng sẽ có đại gia Việt đạt tới những tầm cỡ như vậy.

Cách đây vài tuần, tôi có nhận được cú điện thoại vào nửa đêm của một người bạn - anh Lê Đức Thuấn - Chủ tịch Á Long Corp, thông báo về việc Á Long mua cổ phần Bảo Ngọc, với mục tiêu khôi phục và phát triển thương hiệu bánh nổi danh một thời.

Hai thương vụ, với quy mô khác nhau, nhưng cùng phản ánh xu hướng bứt phá của các doanh nghiệp có tiềm lực, và của các doanh nhân biết chớp thời cơ.
 
Một năm qua, giới doanh nhân Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn. Là một chuyên gia thường tư vấn chiến lược marketing cho các doanh nghiệp, đồng thời cũng là "ông chủ" một doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư hàng triệu USD, phải trực tiếp và chịu áp lực quản lý nguồn vốn và hiệu quả đầu tư, ông cảm nhận những sóng gió đó một cách cụ thể như thế nào?


Bên cạnh những bứt phá của Masan, hay Á Long nêu trên, hay còn nhiều cuộc giao dịch trong "bóng đêm" của nhiều doanh nghiệp khác, thì chúng ta cũng chứng kiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản trên thực tế, hay tạm thời đóng cửa.

Những con số đã quá đủ để mô tả thực trạng hiện nay với cộng đồng doanh nghiệp chúng ta. Nhưng, điều đáng nói, phía sau những con số khô khan này, là hàng trăm ngàn người lao động mất việc, cuộc sống của hàng trăm ngàn gia đình bị ảnh hưởng.

Tôi tin rằng, khi đóng cửa công ty, khai tử thành quả bao năm xây dựng, và phải chia tay với nhân viên, cộng sự đã gắn bó bao năm với mình, các doanh nhân của chúng ta đã trải qua những quyết định đau đớn, sau hàng tháng, hằng năm mất ngủ.
 
Có nhiều khó khăn do khách quan, song cũng có những khó khăn không phải như vậy... Ông có đồng ý với quan điểm này không?


Đã có những thời gian mà cơ hội quá nhiều cho mọi người, mọi nhà cùng lập doanh nghiệp. Một thế hệ "giám đốc một triệu" ra đời. Chỉ cần khoảng một triệu đồng cho dịch vụ pháp lý, một doanh nghiệp cũng được thành lập, mà không có kế hoạch hay chiến lược phát triển.

Đồng thời, không ít doanh nghiệp làm ăn dựa vào các mối quan hệ nhiều hơn là dựa vào khả năng cạnh tranh của chính mình. Một môi trường thiếu lành mạnh như vậy, đã tạo ra khá nhiều những doanh nghiệp giỏi mánh mung, mạnh về "lobby", nhưng thiếu sức sống.

Một cuộc chơi thực thụ sẽ khó chấp nhận những doanh nghiệp know-whom (quen biết) thay vì know-how (bí quyết).

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp làm ăn chân chính lại thiếu ước mơ lớn, thiếu việc chú trọng xây dựng năng lực cạnh tranh cốt lõi, thiếu ý tưởng sáng tạo, mà tập trung vào phân khúc hàng "me-too" cạnh tranh bằng giá rẻ.

Giá rẻ có thể để doanh nghiệp tồn tại, nhưng khó có giá trị gia tăng. Và khi thị trường biến động, chi phí tăng cao, họ không còn lợi nhuận. Theo quan điểm của cá nhân tôi, đây là yếu tố chủ yếu để doanh nghiệp chúng ta gục ngã nhanh và nhiều như vậy trong khủng hoảng.

Không chỉ bây giờ, mà hàng trăm năm qua trên thế giới, môi trường kinh doanh lúc thịnh, lúc suy, và luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của mọi doanh nghiệp.

Và vì vậy, chỉ có cách thích ứng với môi trường kinh doanh, bằng cách hằng ngày tự xây dựng cho doanh nghiệp mình một năng lực cạnh tranh mạnh mẽ.
 
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, từ góc độ của một chuyên gia marketing, ông sẽ khuyên các doanh nhân cần có những chiến lược kinh doanh như thế nào để trụ vững và phát triển trong giai đoạn hiện nay?


Nếu có thể chia sẻ, tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta hãy đừng chạy theo các giá trị ảo, đừng quá tập trung vào quy mô doanh nghiệp, vào doanh số bán hàng, vào số lượng nhân viên. Hội chứng tự xưng "tập đoàn" một thời có vẻ là biểu hiện rõ nét cho xu hướng thích "oai" này.

Thay vào đó, hãy tập trung nguồn lực để sáng tạo những giá trị gia tăng riêng có của doanh nghiệp. Điều này mới thực sự khẳng định vị thế của doanh nghiệp, là giá trị độc đáo của doanh nghiệp mang lại cho xã hội.

Và đó mới là lợi nhuận thực, bền vững, và đảm bảo sự phát triển lâu dài cho mỗi doanh nghiệp.