16:03 11/05/2010

Tung Kuang xả thải bẩn: Khó truy cứu trách nhiệm hình sự

Anh Quân

Trả lời của đại diện Cục Cảnh sát môi trường về vụ việc Tung Kuang xả thải không qua xử lý ra môi trường

Chi nhánh Tung Kuang tại Hải Dương.
Chi nhánh Tung Kuang tại Hải Dương.
Đã hơn nửa tháng sau khi UBND tỉnh Hải Dương thu hồi giấy phép xả nước thải và tạm thời đình chỉ hoạt động phát sinh nước thải chưa qua hệ thống xử lý của chi nhánh Công ty Cổ phần Công nghiệp Tung Kuang tại Hải Dương.

Với Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ 1/3/2010, Tung Kuang đứng trước khả năng sẽ bị xử phạt hành chính cao hơn so với Vedan trước đó (mức xử phát có thể tăng hơn trước 7 lần, theo quy định của pháp luật). Nhưng để truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có dễ dàng?

Trung tá Lê Quang Đồng, Phó trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát môi trường, đã trả lời báo giới một số vấn đề liên quan.

Thưa ông, đây có phải vụ án trọng điểm không, khi Cục Cảnh sát môi trường trực tiếp điều tra và bắt quả tang chi nhánh Công ty Cồ phần Công nghiệp Tung Kuang xả thải chưa qua xử lý ra môi trường?

Đây là việc làm thường xuyên của Cục chúng tôi. Việc xác định vụ việc do Cục làm, nhưng có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu của cảnh sát môi trường địa phương tỉnh Hải Dương.

Cụ thể thời gian triển khai điều tra bắt đầu từ khi nào, thưa ông?

Bắt đầu từ cuối năm 2009, khoảng tháng 10. Do việc che giấu xả thải chưa qua xử lý của doanh nghiệp này khá tinh vi, có hệ thống hàng rào rất kiên cố, bảo vệ 24/24 giờ, hệ thống xả có điều khiển nên đòi hỏi điều tra công phu, phải bí mật tuyệt đối. Trinh sát của Cục phải nằm tại địa bàn, nắm quy luật hoạt động xả thải và tính toán sơ hở của họ để lập phương án phá án.

Người dân sở tại đã kêu ca nhiều năm nay về ô nhiễm môi trường từ Nhà máy này, vì sao đến giờ mới điều tra ra được?

Chúng tôi không nhận được bất kỳ văn bản nào do người dân kiến nghị lên. Vụ việc lần này hoàn toàn do công tác nghiệp vụ phát hiện được.

Triển khai vào tháng 10/2009, phá án vào giữa tháng 3/2010, như vậy có mất nhiều thời gian quá không, thưa ông?

Cũng không lâu, vì đây là vụ việc lớn, có yếu tố nước ngoài, thủ đoạn lại tinh vi, đòi hỏi công tác điều tra kỹ càng. Hơn nữa, trong khoảng thời gian này còn có tết âm lịch, cũng là thời gian họ ngừng hoạt động sản xuất nên công tác điều tra cũng bị gián đoạn.

Trong quá trình điều tra, Cục đã xác định mức độ vi phạm của nhà máy này như thế nào?

Chủ yếu họ xả thải vào ban đêm, thường vào khoảng 11 giờ, cũng không thường xuyên hàng ngày, có hôm không xả. Bên trong nhà máy thì có bảo vệ nghiêm ngặt, bên ngoài thì đường ống cống nhựa được bọc một lớp bê tông dày 7,5 cm rất kiên cố. Do điều kiện miệng ống nước xả thải của nhà máy này nằm sâu dưới nước nên việc tiến hành lấy mẫu khá khó khăn. Vì nếu nước thải hòa với nước sông thì không chính xác.

Trước khi phá án, chúng tôi đã lấy mẫu được một số lần và xác định mức độ ô nhiễm một số chất vượt trên 10 lần quy định của Nhà nước, lượng nước xả thải khoảng 250 m3/ngày đêm.

Cục có xác định được vi phạm này từ lúc nào không?

Trong quá trình thu thập tài liệu, chúng tôi được biết, ngay từ khi xây dựng nhà máy thì họ đã đặt đường ống xả thải này rồi, tức là phần ống bên ngoài nhà máy. Hiện nay, cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành xác định mức độ vi phạm cụ thể để hoàn thiện hồ sơ xử lý vụ việc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có nêu quan điểm, đây là vụ việc tái phạm, cần có hình thức xử phạt tăng nặng. Theo ông, khẳng định như vậy có đúng không?

Theo chúng tôi được biết, ngày 31/12/2007, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện Tung Kuang vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường và xử phạt 109,5 triệu đồng.

Ngoài ra, cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương cũng đã phạt công ty này 7,5 triệu đồng vào ngày 8/10/2009, liên quan đến chất thải nguy hại (chất thải rắn), là hành vi khác, không phải xả nước thải.

Tức là có thể hiểu rằng doanh nghiệp này vi phạm rất nhiều hình thức khác nhau về gây ô nhiễm môi trường?

Bao gồm cả chất thải rắn và khí thải. Khí thải thì hiện nay do nhà máy không còn hoạt động nên không xác định được.

Trong các vụ việc gây ô nhiễm môi trường công nghiệp, việc xác định trách nhiệm cá nhân có được thực hiện không, thưa ông?

Trong các vụ việc như thế này, xác định trách nhiệm cá nhân thường gặp nhiều khó khăn. Bởi vì, trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, người công nhân liên quan đến vận hành hệ thống như thế này chỉ là người làm thuê, cũng không có văn bản bàn giao việc này.

Có quy định nào về xử phạt đến mức truy tố trách nhiệm hình sự không, thưa ông?

Khoản 1, Điều 182, Bộ luật Hình sự quy định rõ, người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng, hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm…

Nhưng, việc xác định thế nào là nghiêm trọng thì hiện chưa có văn bản hướng dẫn.