09:11 31/03/2011

Tuyển lao động từ Libya: Doanh nghiệp bắt đầu thấy nản

Vũ Quỳnh

Nhiều doanh nghiệp muốn tuyển lao động về nước từ Libya bắt đầu thấy nản khi gặp rất nhiều khó khăn

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang bị cho là "om" lao động để làm nguồn đưa sang thị trường khác.
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang bị cho là "om" lao động để làm nguồn đưa sang thị trường khác.
Sau khi các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động về từ Libya đưa ra mức lương và số lượng tuyển dụng khá lớn nhưng lại không mấy “mặn mà” về địa phương tuyển dụng lao động, đã có nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp này chỉ "lợi dụng cơ hội để đánh bóng tên tuổi".

Trả lời câu hỏi liên quan đến những ý kiến trên, ông Ngô Văn Tuân, Trưởng phòng Tổ chức Công ty Cổ phần Vinaconex6 cho biết, nhu cầu cần tuyển dụng lao động của doanh nghiệp là có thật. Thực tế, doanh nghiệp còn cần nhiều lao động hơn số lượng đã đăng ký là 100 công nhân và 10 kỹ sư, đốc công.

Ông Tuân dẫn chứng, với một công trình xây dựng, công ty này cần đến hàng trăm lao động, trong khi đó, doanh nghiệp đang thi công hàng chục công trình, nhu cầu lao động rất lớn, lên đến hàng nghìn người.

Còn Phó phòng phụ trách nhân sự Công ty TNHH Kinh doanh địa ốc Hòa Bình thì cho rằng, kể cả không có lao động về từ Libya thì doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn hàng năm. Từ trước đến nay, Công ty TNHH Kinh doanh địa ốc Hòa Bình  thường tuyển công nhân xây dựng, thợ kỹ thuật thông qua kênh các trường đào tạo nghề. Với lao động cao cấp như kỹ sư cao cấp hay kỹ sư xây dựng, công ty tuyển dụng qua VietnamWorks.

Vì vậy, chỉ tiêu tuyển dụng đưa ra hơn 300 lao động là con số rất ít so với nhu cầu lao động thực tế vào thời điểm này của doanh nghiệp.

Riêng Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông, đơn vị có nhu cầu tuyển 10.000 lao động, trong đó 7.000 là lao động phổ thông và 3.000 lao động kỹ thuật lành nghề như lắp điện nước, cơ khí, giao thông, kiến trúc…thì cho biết, trước mắt sẽ tuyển 2.600 lao động.

Thực tế nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động là có thật, tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo một số doanh nghiệp cho biết, họ bắt đầu thấy nản khi bắt tay vào công tác tuyển dụng này.

Ngay tại buổi làm việc mới đây giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam về từ Libya để bàn giải pháp và đi đến thống nhất quy trình tuyển dụng, một số doanh nghiệp đã cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước (những đơn vị đưa lao động sang Libya làm việc), không nhiệt tình hợp tác với họ trong việc này.

“Chúng tôi đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước, đơn vị đưa lao động sang Libya, tuy nhiên họ gần như không muốn chúng tôi tiếp cận trực tiếp với lao động. Có thể họ muốn giữ lao động lại làm nguồn để đưa sang các thị trường khác”, đại diện một doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng phát biểu.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước thì tỉnh nhiều nhất có lao động từ Libya về nước là Nghệ An có 1.991 lao động, Hà Tĩnh có 1948, Thanh Hóa có 598 lao động; có những tỉnh chỉ trên dưới 100 lao động như Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Hải Phòng; cũng có nhiều tỉnh chỉ có một vài lao động như Long An, Bạc Liêu, Lâm Đồng...

Thực tế lao động về từ Libya nằm rải rác ở 49  tỉnh thành trên cả nước trong khi các doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu ở Hà Nội, việc tuyển dụng không hề đơn giản. Đây cũng là một khó khăn được các doanh nghiệp chia sẻ.

Ngoài ra, thêm một khó khăn nữa được doanh nghiệp tuyển dụng nhìn nhận là thủ tục quá phức tạp để họ có thể tuyển được số lao động nói trên.

“Trong khi chúng tôi chỉ cần làm việc với một trường đào tạo nghề là có thể có đủ số lao động mà mình yêu cầu thì đổi lại chúng tôi phải về tận các địa phương, làm việc với sở lao động và doanh nghiệp xuất khẩu lao động với rất nhiều thủ tục”, cán bộ nhân sự của một doanh nghiệp nói.