16:10 06/07/2017

“Uber xe đạp” Trung Quốc nhận thêm 700 triệu USD vốn đầu tư

Kim Tuyến

Ofo đặt mục tiêu sử dụng 20 triệu xe đạp và mở rộng dịch vụ ra 200 thành phố ở 20 quốc gia trên thế giới trong năm 2017

Đây là khoản đầu tư lớn nhất Ofo nhận được trong một vòng gọi vốn kể từ khi thành lập - Ảnh: Ofo.
Đây là khoản đầu tư lớn nhất Ofo nhận được trong một vòng gọi vốn kể từ khi thành lập - Ảnh: Ofo.
Ứng dụng chia sẻ xe đạp Ofo cho biết huy động được hơn 700 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E mới đây từ nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là Alibaba, Hony Capital, và Citic Equity, trang Tech In Asia cho biết.

Trong thông cáo mới công bố, Ofo cho biết đây là khoản đầu tư lớn nhất công ty nhận được trong một vòng gọi vốn kể từ khi thành lập tháng 7/2015. Các nhà đầu tư khác cũng tham gia vòng gọi vốn lần này Ofo còn có DST Global và ứng dụng gọi xe Didi Chuxing.

Trước đó, trong vòng gọi vốn hồi tháng 4, Ofo cũng nhận được vốn đầu tư từ công ty tài chính Ant Financial của Tập đoàn Alibaba, tuy nhiên không tiết lộ con số cụ thể.

Tháng trước, start-up này cũng nhận được 450 triệu USD trong một vòng gọi vốn Series D từ nhóm nhà đầu tư gồm Citic Private Equity, Atomico, Coatue Management, Macrolink Group, và Matrix Partners.

Dù từ chối bình luận về giá trị công ty sau vòng gọi vốn này, nhà sáng lập, giám đốc điều hành (CEO) Dai Wei của Ofo cho biết start-up được định giá tới 2 tỷ USD hồi tháng 4.

Thông báo trên cũng cho biết Ofo hiện là ứng dụng chia sẻ xe đạp không khóa lớn nhất thế giới tính theo thị phần. Start-up này đang vận hành 6,5 triệu xe đạp tại 150 thành phố ở Trung Quốc, Singapore, Anh và Mỹ với hơn 25 triệu giao dịch mỗi ngày.

Công ty đặt mục tiêu sử dụng 20 triệu xe đạp và mở rộng dịch vụ ra 200 thành phố ở 20 quốc gia trên thế giới trong năm 2017, thông cáo trên cho hay.

Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Ofo là Mobike, được trợ vốn bởi Tencent, cũng “xuất ngoại” hồi đầu năm nay, hoạt động tại Singapore từ tháng 3 và Anh từ tháng 6 vừa rồi.

Trong vòng gọi vốn mới đây, Mobike cũng nhận được 600 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là Tencent - đối thủ của Alibaba.

“Cơn sốt” chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc kéo theo sự ra đời của ít nhất 10 start-up được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, cùng với hàng chục start-up tương tự khác.

Trong đó, hai start-up lớn nhất là Mobike và Ofo đã sử dụng tới 11 triệu xe đạp, đủ để mỗi hộ gia đình ở Bắc Kinh có một chiếc. Hai công ty này cũng đã huy động được tổng cộng gần 3 tỷ USD tiền vốn kể từ khi ra đời.

Các ứng dụng chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc đi theo một mô hình chung: xe đạp sản xuất hàng loạt với giá rẻ, chỉ có thể được mở khóa bằng một ứng dụng smartphone, và sau khi dùng, khách thuê có thể để xe ở bất kỳ đâu.

Tuy nhiên, nhiều công ty nhỏ như Wukong và 3Vbike buộc phải dừng dịch vụ vì hệ thống định vị theo dõi trên ứng dụng không đáp ứng thực tiễn, khiến phần lớn xe đạp bị mất. Một công ty khác bắt đầu tăng số tiền khách thuê xe phải đặt cọc đề phòng trường hợp khách bất cẩn quên khóa xe dẫn tới mất xe.

Để giải quyết vấn đề này, Ofo đã phải nâng cấp công nghệ, theo dõi xe đạp bằng công nghệ định vị toàn cầu (GPS).