22:30 22/02/2009

Văn hóa kinh doanh là con thuyền vượt sóng

Thúy Nhung

Văn hoá kinh doanh sẽ là một cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua những sóng gió hiện nay

Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn chịu nhiều thử thách - Ảnh: AP.
Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn chịu nhiều thử thách - Ảnh: AP.
Văn hoá kinh doanh sẽ là một cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua những sóng gió hiện nay.

Nhận định này được nhiều học giả, nhà nghiên cứu về văn hoá, kinh tế...  cùng thống nhất tại hội thảo “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp thời kỳ hội nhập” do Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam đồng tổ chức hôm nay 22/2, tại Học viện Phật giáo Trung ương ở Sóc Sơn, Hà Nội.

Theo nhìn nhận của GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, bên cạnh các yếu tố vật chất như tài nguyên thiên nhiên, người lao động..., văn hoá kinh doanh là yếu tố cơ bản, lâu bền góp vào sự thành công của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Chia sẻ với ý kiến trên, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói không ít doanh nghiệp của Việt Nam hiện vẫn kém hiểu biết về tâm lý, thói quen tiêu dùng...  của khách hàng mà mình hướng tới. Ông cho rằng đây chính là sự thua kém về văn hoá kinh doanh. Thiếu yếu tố này, doanh nghiệp sẽ không thể thắng lợi trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài thời kỳ hội nhập.

"Kinh doanh có văn hóa là lối kinh doanh có mục đích và theo phương thức đạt tới cái lợi, cái thiện và cái đẹp. Kinh doanh vô văn hóa là lối kinh doanh sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị, không từ bất cứ thủ đoạn bỉ ổi nào, miễn là kiếm được càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Để đạt được lợi nhuận ngày càng cao, họ sẵn sàng cho ra đời những hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, những hàng có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí sức khỏe của trẻ em. Họ chà đạp lên chuẩn mực văn hóa trong kinh doanh, họ thiếu hẳn chữ “ tâm” trong kinh doanh", nguyên Tổng bí thư nhấn mạnh.

Cho rằng để phát triển bền vững, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một bản sắc văn hóa riêng, PGS.TS Đào Duy Quát - Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - nhìn nhận chủ doanh nghiệp sẽ có vai trò quyết định trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp, bởi theo ông, họ là người trực tiếp điều hành, đồng thời là tấm gương văn hoá để mọi thành viên trong doanh nghiệp noi theo.

Cùng "bắt mạch" vấn đề văn hóa doanh nghiệp, theo Đại đức Thích Trí Chơn, khi một người bị ô nhiễm tâm thức, người đó có thể làm hại bản thân mình, hại gia đình mình. Nếu người đó có vị trí trong hệ thống chính trị hay trong kinh tế, kinh doanh thì có thể làm hại cả cộng đồng và làm hại xã hội.

"Doanh nhân làm việc với tâm trong sáng, lợi mình lợi người, thấy được cái chân cái giả, thấy được những qui luật, những chuyển biến cuộc đời và ứng dụng cái thấy vào cuộc sống thường nhật thì doanh nhân sẽ có nhiều niềm vui dù công việc có thăng có trầm.

Ngược lại, hiệu quả công việc rất tốt, sự nghiệp thành đạt nhưng nếu doanh nhân không tìm được những phút giây an bình nội tại, không thấy được bản chất cuộc đời, lấy giả làm chân, lấy phương tiện làm cứu cánh thì doanh nhân vẫn là những người nghèo khổ nhất cuộc đời: nghèo tình thương, nghèo hạnh phúc, nghèo an lạc…", Đại đức nói thiết tha.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Tường Bách, những nhà kinh doanh “có tâm” sẽ biết thiết lập sự quân bình trong quan hệ chủ/thợ, hài hòa trong sự tập trung tài sản và quyền lực, quân bình trong đời sống chung/riêng. Những nhà kinh doanh “có tầm” sẽ biết rằng mọi thành công, tiền bạc, tài sản...là sự vật chất hóa của khả năng của mình, của phước báu cha ông, của nhiều tích lũy từ đời kiếp nào xa xưa, của nhiều năng lực vô hình khác mà mình không hề ý thức đến.

"Tất cả đều nằm trong kho báu của pháp giới, ai xứng đáng sẽ được hưởng lợi ích lâu dài, ai không xứng đáng sẽ sớm bị mất đi. Nhà kinh doanh minh triết biết rằng tất cả của cải và địa vị đều do “trời đất” tạm ứng cho, mình chỉ là người quản lý hộ để thực hiện một sứ mạng nào đó trong đời", ông nói.