17:26 26/05/2011

VinaCapital và thương vụ đầu tư mang tên Yến Việt

Hoài Ngân

Vì sao tập đoàn VinaCapital lại đầu tư vào một công ty chỉ chuyên về nuôi yến?

Một nhà nuôi yến của Yến Việt tại Phan Rang.
Một nhà nuôi yến của Yến Việt tại Phan Rang.
Tập đoàn VinaCapital vừa công bố kế hoạch hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Yến Việt, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sản phẩm yến sào.

Cụ thể, VinaCapital sẽ bỏ ra 7,5 triệu USD để đầu tư vào Yến Việt, nhằm hỗ trợ Yến Việt củng cố các kênh phân phối, tăng cường năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm cũng như cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, có thể coi đây là một thương vụ đầu tư khá đặc biệt. Đặc biệt là bởi trong giai đoạn khó khăn, không dễ để có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư chiến lược tên tuổi.

Sáu năm trước, Yến Việt được thành lập. Khi đó, ông Võ Thái Lâm, Tổng giám đốc Yến Việt, đã đặt mục tiêu là sẽ chuyên nghiệp hóa nghề nuôi yến thay vì chỉ khai thác tự nhiên.

Hiện tại, công ty này sở hữu hệ thống hơn 18 nhà nuôi yến với năng suất cao, phủ khắp từ Phú Yên đến Cà Mau, năng suất khai thác bình quân 2 tấn/năm.

Yến Việt cũng xây dựng một hệ thống phân phối trên nhiều tỉnh thành trong nước, và đã vươn tới thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Hồng Kông… Đặc biệt, tại Tp.HCM, công ty này đã và đang xây dựng hệ thống bán hàng phủ khắp các quận nội và ngoại thành.

Tuy nhiên, bước đường chuyên nghiệp hóa nghề nuôi yến chính thức đến vào thời điểm 2009, khi công ty quyết định xây dựng nhà máy chế biến yến sào Phan Rang tại cụm công nghiệp Thành Hải với công suất 5 triệu sản phẩm/năm, và tổng chi phí đầu tư khoảng 4 triệu USD. Yến Việt đang tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy giai đoạn 2.

Công ty cũng cho biết, trong kế hoạch phát triểp sắp tới, sẽ xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh từ tổ yến.

Thống kê cho thấy thị trường yến sào trên thế giới lên tới 3,4 tỷ USD vào năm 2010. Trong khi đó, việc sản xuất tổ yến, dù là tự nhiên hay do nuôi, hiện bị giới hạn bởi đầu vào do kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Dưới góc nhìn của VinaCapital, đó là một cơ hội đầu tư.

Theo phân tích của VinaCapital, về lợi thế quốc gia, yến sào Việt Nam được sản xuất với giá thành thấp hơn, nhưng chất lượng được coi là tốt nhất so với 4 nước khác sản xuất được yến sào trên thế giới là Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Lợi thế này là lâu dài do đặc điểm về thời tiết thuận lợi và mức độ công nghiệp hóa của Việt Nam thấp hơn so với các nước lân cận.

Về lợi thế ngành, đây là ngành hàng mà hiện tại cầu vượt cung do hạn chế về nguồn nguyên liệu. Lợi thế này sẽ tiếp tục tồn tại do sự tăng trưởng nhanh của nhu cầu người dân trong nước và trên thế giới trong khi tăng trưởng nguồn cung bị giới hạn.

Ban lãnh đạo của Yến Việt cũng được đánh  giá là có tầm nhìn xa và năng lực tốt để thực hiện tầm nhìn chiến lược và sự năng động vốn có của một doanh nghiệp tư nhân

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, nói rằng lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng vẫn đặc biệt hấp dẫn và Yến Việt là “một ví dụ hoàn hảo về tiềm năng của các sản phẩm tiêu dùng Việt Nam đang phát triển nhanh và lợi nhuận cao”.

Trong những phát biểu gần đây, các lãnh đạo VinaCapital luôn khẳng định rằng tìm kiếm các cơ hội đầu tư từ các công ty tư nhân tiềm năng vẫn là mối quan tâm đặc biệt của họ.

Các thương vụ bán cổ phần của VinaCapital tại Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa cuối năm 2010 và Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) đầu năm 2011 đã đem lại kết quả tương đối khả quan, với những khoản lợi nhuận tương ứng là 3,3 lần và 5,3 lần.