10:35 28/11/2012

“Vòng luẩn quẩn” khi doanh nghiệp khó khăn

Viên Nhi

Tình thế nan giải của cộng đồng doanh nghiệp dưới góc nhìn của các nhà chức trách

Doanh nghiệp là hạt nhân cơ bản của một nền kinh tế, doanh nghiệp khỏe mạnh thì nền kinh tế mới khỏe mạnh.
Doanh nghiệp là hạt nhân cơ bản của một nền kinh tế, doanh nghiệp khỏe mạnh thì nền kinh tế mới khỏe mạnh.
“Không có vốn, sản xuất đình trệ, thì lại không trả được lãi vay ngân hàng... Đó là vòng luẩn quẩn không lối thoát”.

Ông Trịnh Hữu Thắng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, đã ví von như vậy về mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tại một cuộc họp giao ban sản xuất mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành và địa phương.

Ông Thắng cho biết, tại Bắc Giang, 97% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp này có vốn ít, tài sản thế chấp không đáng kể. Trong khi đó, các điều kiện mà ngân hàng đưa ra lại rất khắt khe khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, điều đáng nói là bài toán này đã được đặt ra nhiều lần, nhưng có lẽ vẫn chưa có lời giải thỏa đáng từ phía các nhà băng.

Còn theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, hoạt động cung cấp tín dụng của các ngân hàng hiện nay chủ yếu dựa vào thế chấp tài sản. “Vậy khác nào là cơ sở cầm đồ?”, vị này đặt câu hỏi.

Để giải quyết điều này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho rằng, các ngân hàng cần phải được coi là nhà đầu tư của các nhà đầu tư, tức là phải có năng lực đánh giá hiệu quả và tính khả thi của dự án để cấp tín dụng. Nhưng điều đáng nói là hệ thống ngân hàng lại chưa có đủ năng lực như vậy.

Do vậy, theo ông này, giải pháp mặc dù đưa ra nhiều, nhưng có lẽ do chưa có nỗ lực đột phá từ phía ngân hàng nên mọi việc vẫn chỉ dừng ở giải pháp mà chưa có thay đổi gì.

Về các chính sách thuế, đại diện của tỉnh Nghệ An thẳng thắn chi ra rằng, khi mục tiêu thu thuế vẫn là “tận thu”, không quan tâm đến nuôi dưỡng nguồn thu... thì doanh nghiệp vẫn khó mọi bề.

Theo vị này, cần xem xét các chính sách thuế hiện nay đã quan tâm đến những nỗ lực và khó khăn của doanh nghiệp hay chưa? Các sắc thuế hiện nay cũng chưa làm rõ được ngành nghề khuyến khích hay không khuyến khích.

“Ví dụ như để hạn chế rác thải, sao chúng ta không tăng thuế trên bao bì thật cao, còn sản phẩm chính chỉ ở mức thích hợp thôi”, vị này dẫn chứng.

Có đại biểu còn thẳng thắn khi cho rằng sự quan tâm của Nhà nước đến hoạt động của doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa đúng mức. Như tại Nghệ An, tính đến thời điểm này, 40% doanh nghiệp trên địa bàn đã bị tê liệt, 30% doanh nghiệp hoạt động chập chờn..., đặc biệt là các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây lắp.

Ngay tại những địa phương lớn, được đánh giá có nhiều thế mạnh thì tình hình cũng không khá hơn. Điển hình như tại “thủ phủ của công nghiệp chế tạo, lắp ráp” Vĩnh Phúc.

Theo ông Đại Văn Giới, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, dù địa phương cũng đã tập trung mọi nguồn lực để cứu giúp doanh nghiệp, như triển khai gói bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng tính đến 6 tháng đầu năm, ở Vĩnh Phúc cũng có đến 41% doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn giảm 17,9%, tiêu thụ giảm 50%.

Và khi doanh nghiệp khó… thì tỉnh cũng chẳng có nguồn thu. Vì vậy, năm nay, Vĩnh Phúc cũng không thể đạt được dự toán thu ngân sách như kế hoạch.

Đồng tình với đại diện tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lâm Nguyên Khôi, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cũng cho biết, khi doanh nghiệp khó thì địa phương đầu tầu như Tp.HCM cũng khó theo, do thiếu hụt nguồn thu ngân sách.

Nguyên nhân thì vẫn là các lý do đã được nhắc đến nhiều tháng trước đây, như: lãi suất tín dụng vẫn cao, tồn kho ngày càng tăng, nhất là do một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị thu hẹp, nên kim ngạch xuất khẩu bị giảm đáng kể.

Còn đại diện từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, thời gian qua, dù các doanh nghiệp bất động sản đã có rất nhiều giải pháp nhằm tự cứu mình, như: hạ giá bán, đề xuất chia nhỏ căn hộ, hay các gói khuyến mại và hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà…, nhưng diễn biến trên thị trường bất động sản vẫn không mấy khả quan.

“Thị trường bất động sản nắm giữ một lượng vốn khá lớn của cả nền kinh tế, hàng tồn kho tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ thị trường tài chính. Nếu xảy ra đổ vỡ trên thị trường này thì hậu quả sẽ là rất lớn”, vị này nhấn mạnh.

Mặc dù nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra, nhưng theo đại diện nhiều bộ, ngành và địa phương tại cuộc họp này, những chính sách này mới dừng ở mức “đúng và hay”, nhưng lại… chưa thấy mấy hiệu quả.

Cụ thể như Nghị quyết 13 của Chính phủ với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dù đã được triển khai từ tháng 5, nhưng đến nay kết quả vẫn rất mờ nhạt. Các chính sách liên quan đến giảm lãi suất cũng chưa phát huy tác dụng, đặc biệt là sự ách tắc giữa doanh nghiệp và ngân hàng cũng chưa thể “thông” như kỳ vọng.