10:32 18/05/2010

Xét lại tỷ lệ vốn ngoại tại Công ty Du lịch Tiền Giang

Minh Đức

Tính pháp lý của việc SCIC thoái vốn tại Công ty Du lịch Tiền Giang liên quan đến tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài

Ông Hoàng Kiều, người nắm 30% cổ phần Công ty Du lịch Tiền Giang, và Hoa hậu Thế giới 2008 Ksenia Sukhinova.
Ông Hoàng Kiều, người nắm 30% cổ phần Công ty Du lịch Tiền Giang, và Hoa hậu Thế giới 2008 Ksenia Sukhinova.
Như VnEconomy đã đề cập tại bài viết "SCIC thoái vốn sai luật tại Công ty Du lịch Tiền Giang?", từ mô hình doanh nghiệp nhà nước, Công ty Du lịch Tiền Giang đã thực hiện cổ phần hóa vào năm 2005 với 30% thuộc về ông Hoàng Kiều (quốc tịch Mỹ).

Năm 2007, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiếp quản vốn nhà nước tại đây với 30%. Tháng 3/2009, SCIC tổ chức bán đấu giá thoái vốn, 30% đó thuộc về ông Hoàng Sammy Hùng (quốc tịch Mỹ, con ông Hoàng Kiều).

Sau khi cổ phần hóa và SCIC thoái vốn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty này đã lên đến 60%. Câu hỏi đặt ra là tỷ lệ đó có phá rào quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam tối đa 30% trước đây và 49% hiện nay?

Tư vấn luật: “Có thể sở hữu không hạn chế”

Để củng cố tính pháp lý cho câu hỏi trên, SCIC đã yêu cầu Công ty Luật Vilaf Hồng Đức tư vấn một số nội dung liên quan.

Thứ nhất, Việt kiều mua cổ phần của công ty trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) có được coi là nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không?

Thứ hai, vào thời điểm SCIC bán đấu giá công khai 30% vốn (tháng 3/2009), Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang có được coi là công ty đại chúng theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không khi vào thời điểm đó, công ty có số vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng và có dưới 100 cổ đông?

Thứ ba, tỷ lệ sở hữu tối đa mà một nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ trong một công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng là bao nhiêu vào thời điểm tháng 2/2009 khi SCIC thực hiện việc thoái vốn?

Trước những câu hỏi trên, Công ty Luật Vilaf Hồng Đức kết luận rằng: “Mặc dù ông Hoàng Kiều và Sammy Hùng con ông được coi là nhà đầu tư nước ngoài, việc mua cổ phần của ông (và vợ ông) lần đầu vào năm 2005 khi Công ty Du lịch Tiền Giang thực hiện cổ phần hóa và lần sau vào tháng 3/2009, khi họ mua thêm 30% cổ phần là tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về hạn chế tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty Việt Nam”.

Cơ sở của kết luận trên được nhà tư vấn luật này lý giải: vào thời điểm tháng 3/2009, Công ty Du lịch Tiền Giang không phải là công ty đại chúng hoặc công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán; hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Quyết định số 36 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 73 của Bộ Tài chính (tối đa 30%) không còn hiệu lực (thay vào đó, cam kết WTO về vấn đề hạn chế sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng); và giả thiết rằng các ngành nghề kinh doanh của công ty này vào thời điểm tháng 3/2009 không bị lệ thuộc vào các hạn chế về sở hữu vốn nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong một số lĩnh vực dịch vụ nhất định.

Việc xác định Công ty Du lịch Tiền Giang tại thời điểm tháng 3/2009 không phải là công ty đại chúng được Công ty Luật Vilaf Hồng Đức lý giải là do công ty này không thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng, cổ phiếu chưa được niêm yết, công ty chỉ có 42 cổ đông và số vốn điều lệ đã góp chỉ là 7 tỷ đồng.

Liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cụ thể tại Công ty Du lịch Tiền Giang, theo nhà tư vấn luật, tại thời điểm tháng 3/2009, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua không hạn chế về tỷ lệ sở hữu trong các doanh nghiệp Việt Nam, trừ 4 trường hợp sau: mua cổ phần khi doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi (thực hiện theo quy định về cổ phần hóa và chuyển đổi); doanh nghiệp niêm yết (theo quy định về niêm yết); doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề chịu hạn chế về sở hữu nước ngoài theo cam kết WTO (theo từng ngành nghề cam kết cụ thể tại biểu cam kết WTO); và doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật chuyên ngành có quy định hạn chế về sở hữu nước ngoài ví dụ như chứng khoán, ngân hàng (theo quy định tại pháp luật chuyên ngành).

“Như vậy, vào thời điểm tháng 3/2009, nếu Công ty Du Lịch Tiền Giang không đăng ký kinh doanh các ngành nghề dịch vụ chịu hạn chế về sở hữu nước ngoài theo biểu cam kết WTO của Chính phủ Việt Nam hoặc theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với ngành nghề đó, thì nhà đầu tư nước ngoài có thể mua và sở hữu cổ phần không hạn chế trong công ty”, Công ty Luật Vilaf Hồng Đức tư vấn.

Nhà tư vấn này còn nhấn mạnh thêm: “Cần lưu ý thêm rằng, tại thời điểm tháng 3/2009, kể cả nếu Công ty có bị coi là công ty đại chúng (nhưng không phải là công ty niêm yết) thì tại thời điểm này, nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể mua cổ phần không hạn chế tại Công ty ngoại trừ các trường hợp nêu trên. Lý do là đến 1/6/2009, Nghị định 55/2009/NĐ của Chính phủ mới có hiệu lực và quy định hạn chế 49% vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty đại chúng. Điều này không áp dụng cho Công ty Du lịch Tiền Giang vào thời điểm SCIC bán đấu giá cổ phần”.

Tư vấn đấu giá: “Kết quả đấu giá là thành công”

Nhìn lại tính pháp lý của trường hợp trên, tổ chức tư vấn đợt bán đấu giá thoái vốn của SCIC là Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cũng có những dẫn chứng và lý giải khá gần với Công ty Luật Vilaf Hồng Đức.

Theo ABS, căn cứ các quy định của pháp luật, đối chiếu với trường hợp Công ty Du lịch Tiền Giang không phải là công ty có cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, không thuộc trường hợp đặc thù (về ngành, nghề, lĩnh vực, không thuộc đối tượng Nhà nước nắm cổ phần chi phối…) nên đợt bán đấu giá cổ phần của SCIC tại công ty này là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan có hiệu lực pháp lý tại thời điểm bán.

“ABS nhận thấy việc bán thoái vốn cổ phần của SCIC tại Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang do ABS tư vấn vào 3/2009 đã bảo đảm có cơ sở pháp lý và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan”, ABS khẳng định.

Ở một điểm khác, có hoài nghi đặt ra ở tính khách quan của đợt đấu giá nói trên. Có 8 nhà đầu tư tham gia, 7 nhà đầu tư còn lại đều chỉ đặt ở mức giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phần, riêng ông Hoàng Sammy Hùng đặt mức giá 36.000 đồng với lượng đặt mua toàn bộ lượng chào bán từ SCIC (210.000 cổ phần).

Về kết quả trên, ABS cho rằng việc đặt giá bao nhiêu là quyền của nhà đầu tư dựa trên đánh giá riêng của họ khi tham gia, miễn là bảo đảm quy định về mức giá khởi điểm và các quy định khác của quy chế đấu giá. Mặt khác, theo ABS, “việc nhiều nhà đầu tư cùng đặt mức giá giống nhau và bằng giá khởi điểm là điều có thể xảy ra, nhất là trong tình hình thị trường chứng khoán rất xấu vào thời điểm đấu giá. Nhà đầu tư trúng đấu giá, giá trúng đấu giá và khối lượng cổ phần trúng đấu giá đã được xác định phù hợp với kết quả cuộc đấu giá”.

Trong văn bản trả lời SCIC, ABS cho biết, trong quá trình rà soát nội bộ công ty này chưa phát hiện điều gì bất thường khi tư vấn tổ chức bán đấu giá và ABS đã thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

“ABS nhận thấy toàn bộ quá trình tiến hành đấu giá đều bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng pháp luật. Kết quả đấu giá đã bán được hết số cổ phần dự kiến bán của SCIC với giá bán (36.000 đồng/cổ phần) cao hơn giá khởi điểm (31.000 đồng/cổ phần) trong hoàn cảnh điều kiện thị trường xấu là một thành công xét trên góc độ chuyên môn”, văn bản nói trên viết.