15:53 20/10/2016

Xin hoãn thanh tra nhà máy 12.000 tỷ đồng thua lỗ vì “sếp đi viện”

Kiều Châu

Đạm Ninh Bình đã thua lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ đồng kể từ khi đi vào hoạt động năm 2012

Dự án Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn một năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD tại tỉnh Ninh Bình. <br>
Dự án Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn một năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD tại tỉnh Ninh Bình. <br>
Theo kế hoạch, Thanh tra Bộ Công Thương sẽ có hai buổi làm việc bao gồm làm việc với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và Ban Quản lý dự án nhà máy đạm Ninh Bình vào ngày 18/10 vừa qua.

Đoàn Thanh tra cũng dự định làm việc với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình vào ngày 21/10.

Ngày 14/10, Vinachem đã nhận được công văn số 413 của Thanh tra Bộ Công Thương thông báo kế hoạch làm việc liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án nhà máy và hoạt động sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình.

Tuy nhiên, Vinachem lại cho biết, ông Chu Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Vinachem, Giám đốc Ban Quản lý dự án, Chủ tịch Đạm Ninh Bình đang điều trị tại bệnh viện, dự kiến đến hết ngày 21/10 mới ra viện, nên Vinachem đã đề nghị Thanh tra Bộ Công Thương tổ chức hai buổi làm việc nói trên vào thời gian từ 24-29/10.

Dự án Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn một năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD tại tỉnh Ninh Bình. Đây là dự án lớn nhất của Vinachem và đơn vị này cũng sở hữu 100%, nhưng vốn tự có khi đó chỉ là 100 triệu USD, do vậy phần lớn vốn thực hiện là đi vay.

Với mục tiêu tự chủ nguồn phân bón trong nước, Vinachem được ngân hàng Eximbank Trung Quốc cho vay 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm. Tổng thầu của dự án là tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer (Trung Quốc).

Được vận hành chính thức vào năm 2012 và thua lỗ từ đó đến nay, Đạm Ninh Bình cũng chịu lãi vay lớn, số tiền phải trả mỗi năm cao. Năm 2015, Vinachem phải cho Đạm Ninh Bình vay 366 tỷ đồng để trả nợ phía Trung Quốc, năm 2016 dự kiến số phải trả là 563 tỷ đồng lãi vay.

Từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình đã lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ đồng, còn nợ tính đến cuối 2015 là hơn 8.300 tỷ đồng. Nhà máy nhiều lần phải đóng cửa hoạt động vì thua lỗ.

Mới đây, công ty kiến nghị xin hàng loạt ưu đãi để dự án thoát lỗ. Công ty cho biết, nếu không được giải cứu, số lỗ tiếp tục tăng và đứng trước nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền, người lao động bị ảnh hưởng.