10:59 07/10/2019

"Dòng tiền ngoại chưa có dấu hiệu quay trở lại trong tháng 10"

Kim Phong

Tất cả các quỹ ETF lớn đều bị rút vốn trong tháng 9

Giá trị mua bán ròng của khối ngoại trên HoSE tháng 9. Nguồn: TVSI
Giá trị mua bán ròng của khối ngoại trên HoSE tháng 9. Nguồn: TVSI

Tháng 9, sàn HoSE chứng kiến mức lực bán ròng của khối ngoại ở mức 1.170 tỷ đồng, cao thứ 3 kể từ đầu năm nay, trong đó phiên cơ cấu danh mục của các quỹ ETF có giá trị bán ròng hơn 600 tỷ đồng.

Các quỹ ETF bị rút ròng gần 12 triệu USD trong tháng 9, giảm mạnh so với lượng rút ròng gần 50 triệu USD trong tháng 8. Tất cả các quỹ ETF lớn đều bị rút vốn trong tháng 9: Vaneck (-1,6 triệu USD), FTSE (-3,7 triệu USD), KIM (-4,5 triệu USD) và VFMVN30 (-3,8 triệu USD). Trong khi đó lượng tiền vào qua quỹ mới Premia là không nhiều (+1,4 triệu USD). 

Báo cáo chiến lược của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, mặc dù khía cạnh trong nước thuận lợi, môi trường bên ngoài vẫn còn nhiều rủi ro khi nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ, đang có xu hướng tăng chậm lại. Chỉ số sản xuất của Mỹ chỉ đạt 47,8 trong tháng 9, thấp nhất trong 10 năm qua. Kết quả là thị trường đang đặt cược nhiều hơn vào việc Fed có thể sẽ phải tiếp tục giảm lãi suất vào kỳ họp cuối tháng 10 này. 

Trong khi đó, diễn biến chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của thị trường trong suốt một năm qua. Mặc dù Mỹ Trung sẽ tiếp tục nối lại đàm phán trong tháng 10 tuy nhiên những động thái từ phía Mỹ đang cho thấy vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về một thỏa thuận. 

Trong khi đó, diễn biến Brexit thời gian qua mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường Việt Nam tuy nhiên, hạn chót để nước Anh rời khỏi Châu Âu đang tới gần trong khi Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ không kéo dài thời gian. Do đó trong trường hợp Anh rời Châu Âu mà không có thỏa thuận có thể ảnh hưởng đến các thị trường quốc tế và gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. 

Do đó, dòng tiền ETF có thể tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới. ETF đã ghi nhận rút ròng 12 triệu đô trong tháng 9 và với độ trễ một tháng của dòng tiền ETF và giao dịch khối ngoại trên sàn, rất có thể các nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp tục bán ròng trên sàn nhưng sẽ ít hơn so với tháng vừa rồi. 

Thị trường chứng khoán tháng 10 sẽ cần phải nương nhờ vào kết quả kinh doanh 9 tháng. Bối cảnh vĩ mô trong nước tích cực có thể hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn. 

Theo như khảo sát từ chuyên viên ngành đối với nhóm cổ phiếu trong VN30, VDSC nhận thấy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ phân hóa giữa các nhóm ngành và giữa các cổ phiếu. Trong đó, các cổ phiếu dẫn đầu trong một số nhóm ngành đã tăng trưởng tốt sau sáu tháng như Ngân hàng, Bất động sản và Bán lẻ có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan. 

Kết quả kinh doanh quý 2 đã ảnh hưởng khá nhiều đến diễn biến thị trường trong tháng 7. Do đó với dự báo kết quả kinh doanh quý 3 tiếp tục khả quan ở các cổ phiếu dẫn đầu trong các nhóm ngành quan trọng, thị trường thời gian tới có thể diễn biến khá tích cực. 

"Thị trường có thể khởi sắc trong tháng 10 nhờ nội tại vĩ mô tích cực và kết quả kinh doanh quý 3 khả quan của các nhóm ngành dẫn dắt. Xác suất VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm đang cao hơn. Mặc dù vậy, khả năng duy trì trên mốc này vẫn đối diện nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền ngoại vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại trong tháng tới", VDSC nhận định.