22:49 07/03/2022

Dòng tiền phân hóa, ưu tiên chọn cổ phiếu mạnh

Hà Anh

Với việc vượt vùng cản gần quanh 1520 bất thành, áp lực bán mạnh trong phiên tiếp tục gây áp lực lên đà hồi phục của chỉ số và chừng nào chưa vượt qua được chốt chặn này rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu.

MBS cho rằng, xu hướng tăng ở nhóm cổ phiếu này vẫn tiếp diễn và các nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh như phiên hôm nay vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục
MBS cho rằng, xu hướng tăng ở nhóm cổ phiếu này vẫn tiếp diễn và các nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh như phiên hôm nay vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục

VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 8/3/2022.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/3, chỉ số Vn-Index giảm 6,28 điểm – tương đương 0,42%, xuống 1.499,05 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 2,28 điểm – tương đương 0,51%, đóng cửa ở mức 452,86 điểm.

Thị trường có thể vẫn sẽ dao động xung quanh vùng ±1500 điểm

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)

"Chi Lăng là ải hiểm trở nhất trên đường cái quan từ Nam Quan về Thăng Long, còn 1500 – đúng theo tên gọi của nó, là cái ải mà VN-Index “nghìn năm” chưa thể thật sự vượt qua. Sau một ngày giao dịch giằng co, chỉ số mất 6 điểm và đóng cửa tại mức 1499.05.

Nhóm cổ phiếu Bank, Chứng chìm trong biển máu, trong khi đó những nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đà tăng giá của hàng hóa thế giới như Thép, Hóa chất, Phân bón, Dầu khí, Than lại có một phiên giao dịch phấn khởi, nhiều mã tưng bừng sắc tím. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 11/19 ngành tăng điểm.

Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. Thị trường đang có những bước đi khó lường do ảnh hưởng từ diễn biến thế giới. Trong những phiên tới, thị trường có thể vẫn sẽ dao động xung quanh vùng ±1500 điểm.".

VN-Index có thể sẽ giao dịch giằng co và đi ngang quanh ngưỡng tâm lý 1.500 điểm

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)

"Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang thể hiện được sức mạnh tương đối của mình nếu so với các thị trường khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ đã điều chỉnh từ 10%-20% trên ba chỉ số chính trong khoảng 2 tháng trở lại đây, nhưng các chỉ số chứng khoán Việt Nam gần như đi ngang và chỉ giảm rất nhẹ nếu so với 2 tháng trước đó.

Với diễn biến hiện tại, chúng tôi cho rằng nếu tình hình ổn định trở lại thì chứng khoán Việt Nam có thể bật tăng trở lại để hướng đến những ngưỡng cao mới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, xu hướng đi ngang có lẽ sẽ tiếp tục chiếm ưu thế.

Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 8/3, VN-Index có thể sẽ giao dịch giằng co và đi ngang quanh ngưỡng tâm lý 1.500 điểm. Những nhà đầu tư đã mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 như khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và quan sát thị trường".

Diễn biến phân hóa vẫn đang là nổi trội trên thị trường

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)

"VN-Index lùi bước trở lại và tiếp tục thăm dò tại vùng quanh 1.500 điểm. Hiện tại mức độ bất ổn và rủi ro của thị trường đang có chiều hướng gia tăng. Ngoài ra, diễn biến phân hóa vẫn đang là nổi trội trên thị trường. Do vậy, Quý nhà đầu tư vẫn cần cân nhắc các yếu tố rủi ro và giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý. Đồng thời nên ưu tiên những cổ phiếu có tín hiệu tích cực từ vùng tích lũy và đang thu hút dòng tiền".

Dòng tiền vẫn có thể phân hóa

(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)

“Chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ còn giằng co quanh đường trung bình 20 phiên, tức là mức 1,500 điểm. Đồng thời, dòng tiền vẫn có thể phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Điểm tích cực là dòng tiền đang dần cải thiện tích cực hơn trong vài phiên gần đây cho thấy thị trường có tín hiệu lạc quan hơn, nhưng mô hình tam giác của chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa hoàn tất. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng mạnh cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn là nên tăng dần tỷ trọng cổ phiếu.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục với mức 55-60% danh mục”.

Xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tiếp tục

(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB - MBS)

“Thị trường trong nước cũng có phiên điều chỉnh nhưng mức giảm nhẹ hơn rất nhiều so với các thị trường lớn trên thế giới. Dòng tiền vẫn đổ vào thị trường và hướng tới các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ thị trường hàng hóa cơ bản và năng lượng. Nhà đầu tư dường như cũng bỏ qua tác động từ chỉ số chung dưới áp lực từ nhóm cổ phiếu bluechips, trong khi đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục duy trì đà tăng sau khi đã tăng liền 3 tuần trước đó.

Chúng tôi cho rằng, xu hướng tăng ở nhóm cổ phiếu này vẫn tiếp diễn và các nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh như phiên hôm nay vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục hoặc gia tăng tỷ trọng khi các yếu tố tác động tới cung cầu đối với các hàng hóa này vẫn chưa có sự thay đổi.”.

Chưa vượt qua mốc 1.500, rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu

(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV)

“Sau nhịp mở gap giảm điểm đầu phiên, VNIndex trải qua một nhịp điều chỉnh giằng co trong biên độ hẹp và hình thành mẫu nến spinning trung tính. Với việc vượt vùng cản gần quanh 1520 bất thành, áp lực bán mạnh trong phiên tiếp tục gây áp lực lên đà hồi phục của chỉ số và chừng nào chưa vượt qua được chốt chặn này rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu.

Mặc dù vậy, với xu hướng tăng điểm đóng vai trò chủ đạo, cơ hội mở rộng nhịp hồi phục sau đó vẫn được đánh giá cao với vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 148x. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể gia tăng một phần tỷ trọng vị thế trading tại vùng hỗ trợ với các cổ phiếu mục tiêu”.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.