11:00 13/03/2019

“Dù có thỏa thuận hay không, đàm phán Mỹ-Trung cũng sắp kết thúc”

Thăng Điệp

Nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ nói rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đang ở trong những tuần cuối cùng của cuộc đàm phán

Cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 8 tháng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết - Ảnh: Reuters.
Cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 8 tháng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết - Ảnh: Reuters.

Mỹ và Trung Quốc có thể đang ở trong những tuần cuối cùng của cuộc đàm phán nhằm đi đến một thỏa thuận kết thúc cuộc chiến thương mại song phương - Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer, nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của nước này, cho biết ngày 12/3.

"Chúng tôi hy vọng là mình đang ở vào những tuần cuối cùng trước khi đạt một thỏa thuận", ông Lighthizer phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng giữa hai bên vẫn còn những vấn đề lớn còn tồn tại.

"Nếu những vấn đề đó không được giải quyết theo hướng có lợi cho nước Mỹ, thì chúng tôi sẽ không ký một thỏa thuận nào", ông nói.

Trong phiên điều trần, các nghị sỹ đã gây sức ép nhằm buộc ông Lighthizer đưa ra chi tiết về việc liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump có duy trì việc áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết giữa hai bên.

"Trọng tâm đàm phán bên phía Trung Quốc là dỡ bỏ thuế quan của Mỹ", ông Lighthizer nói. "Đó là vấn đề vẫn đang trong quá trình bàn thảo".

Ông Lighthizer nói thêm rằng Mỹ vẫn đang đi sâu vào các vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc như quyền sở hữu trí tuệ và đã gần đạt thỏa thuận về tỷ giá.

Kể từ sau vòng đàm phán ở Washington hồi cuối tháng 2, các quan chức Mỹ-Trung đến nay chưa có thêm cuộc gặp trực tiếp nào.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng vào ngày thứ Ba, ông Lighthizer và Phó thủ tướng Lưu Hạc - nhà đàm phán thương mại số 1 của Trung Quốc - đã có cuộc điện đàm. Ông Lighthizer nói rằng ông sẽ có thêm một cuộc gọi nữa với ông Lưu vào ngày thứ Tư.

"Chúng tôi ít nhiều vẫn liên tục thảo luận", ông Lighthizer nói.

Giới quan sát hiện vẫn đang chờ xem liệu ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sớm tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh, nhiều khả năng diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của nhà ông Trump ở Florida, để ký kết một thỏa thuận thương mại. 

Một số thông tin gần đây nói rằng một cuộc gặp như vậy có thể diễn ra trong tháng 3 hoặc tháng 4, nhưng tùy thuộc vào việc các quan chức hai bên có chốt được một thỏa thuận hay không.

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, các quan chức Trung Quốc hiện đang lo ngại rằng ông Tập có thể bị rơi vào một tình thế khó xử nếu ông Trump bất ngờ thay đổi vào phút chót. Họ lo Tổng thống Mỹ có thể rút khỏi bàn đàm phán như đã làm trong hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội mới đây.

Một tình huống như vậy "đúng là hóc búa đối với ông Tập", ông Eswar Prasad, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Cornell thường xuyên gặp gỡ các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh, phát biểu. "Mối lo ở đây là ông Tập có thể ông Trump quay lưng ngay tại bàn đàm phán".

Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo lập luận rằng vì Mỹ và Trung Quốc đều là siêu cường, ông Trump sẽ không bao giờ rút khỏi đàm phán với ông Tập như đã làm với ông Kim. Hệ quả của một hành động như vậy sẽ là rất lớn. "Điều quan trọng là phải tăng cường niềm tin cho một nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc", ông Wei nói.