11:32 28/06/2018

Dữ liệu người dùng mạng ở Việt Nam đang bị sử dụng tràn lan

Nguyễn Lê

Công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, trong đó có Luật An ninh mạng

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng Bộ Công an trình bày một số vấn đề tại cuộc họp báo
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng Bộ Công an trình bày một số vấn đề tại cuộc họp báo

"Hiện nay, dữ liệu người dùng ở Việt Nam trên mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan, với mục đích lợi nhuận mà nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý".

Sáng 28/6, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo thông báo lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, trong đó có đạo luật được xã hội đặc biệt quan tâm là Luật An ninh mạng.

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Trình bày một số vấn đề của luật này, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng Bộ Công an khẳng định, luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước như VNPT, FPT, BKAV.

Ban soạn thảo cũng nhận được ý kiến của nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông trong và ngoài nước như Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á, các cơ quan đị diện nước ngoài của Mỹ, Canada, Úc, Nhật… và ý kiến của quần chúng nhân dân.

Ông Thuận cho biết, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan. Không gian mạng được xác định là mạng lưới kết nối các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu. Không gian mạng là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian, thời gian.

Vẫn theo Cục trưởng Thuận, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe doạ, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Như phòng ngừa, xử lý thông tin trên mạng có nội dung tuyên truyền chống nhà nước, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên mạng, phòng chống và xử lý hành vi sử dụng mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật, phòng chống tấn công mạng, khủng bố mạng…

Theo khẳng định từ ông Thuận, Luật An ninh mạng là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng.

Trọng tâm các hoạt động bảo vệ an ninh mạng được xác định là các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị. Các nội dung triển khai hoạt động kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức này đã được quy định rõ rong luật.

Theo luật, cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế cũng là một trong những đối tượng thuộc trọng điểm bảo vệ. Việc sử dụng thông tin để vu không, làm nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ được xử lý nghiêm minh.

Thông tin từ cơ quan soạn thảo tại cuộc họp báo cũng nêu rõ, các hoạt động nghiên cứu, phát triển an ninh mạng, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng, nâng cao khả năng tự chủ về an ninh mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng được quy định cụ thể.

Đề cập vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm về lưu trữ dữ liệu người dùng, ông Thuận nói: "hiện nay, dữ liệu người dùng ở Việt Nam trên mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan, với mục đích lợi nhuận mà nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý. Thậm chí, dữ liệu đã bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật.

Vì vậy, để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của Việt Nam trên mạng, luật quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên không gian mạng có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người dùng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam" .

Liên quan đến kế hoạch triển khai Luật An ninh mạng, việc xây dựng nghị định hướng dẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền tự do dân chủ của người dân khi luật được ban hành, Tướng Thuận cho biết, có 24 điều quy chiếu về việc đảm bảo các quyền tự do của người dân trên không gian mạng. Trong tháng 10/2018, Bộ Công an sẽ phải trình Chính phủ xem xét thông qua các nghị định để hướng dẫn cụ thể việc triển khai thi hành luật này.