17:20 14/06/2018

Đưa 25.000 công an chính quy về xã: Cần lộ trình hợp lý

Nguyễn Lê

Để xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế hiện có về xã

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận.

Thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 14/6, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình quy định công an xã là lực lượng chính quy, nhưng còn không ít băn khoăn.

Tờ trình dự án luật của Chính phủ cho biết, để xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh công an xã. Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm trưởng công an xã, thị trấn.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), hiện nay hoạt động của lực lượng công an xã được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Công an xã là một văn bản có tính pháp lý không cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009.

Theo đó địa vị pháp lý của công an xã chưa được quy định thống nhất, vừa trực thuộc hệ thống, tổ chức của công an nhân dân nhưng lại là lực lượng vũ trang bán chuyên trách. Với việc xác định tính chất như vậy nên lực lượng công an xã thiếu về số lượng không được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kịp thời, không được trang bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ đầy đủ. Việc giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng công an xã còn nhiều bất cập.

Theo đại biểu, chính quy hoá công an xã là một chủ trương lớn liên quan đến một số lượng lớn cán bộ, chiến sỹ công an, sắp xếp tổ chức bộ máy và không chỉ là con người.

Ông Thắng đề nghị ban soạn thảo bổ sung những nguyên tắc, lộ trình cơ bản để thực hiện chủ trương này, trong đó chú ý tới việc đầu tư xây dựng lực lượng công an xã chính quy nhiều mặt như về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ chính sách... để làm căn cứ giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Đồng thời, nghiên cứu xác định lộ trình để sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để đảm bảo sự đồng bộ giữa hai luật.

Cũng quan tâm đến sửa đổi liên quan đến công an xã,đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nhìn nhận, lực lượng an ninh xã, phường cũng chưa đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Thời gian qua đã xảy ra nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, trong đó có những vụ thậm chí đánh chết người dân, gây thương tích nghiêm trọng, làm sai lệch hồ sơ vụ án,...

Nguyên nhân những sai phạm này  theo đại biểu là  công an xã đang được giao quá nhiều công việc phức tạp, nhiều thẩm quyền lớn cùng với những công cụ, phương tiện có thể gây nguy hiểm cao độ. Trong khi ví trí, yêu cầu đầu vào cũng như năng lực, điều kiện đảm bảo chế độ, chính sách còn đang nhiều bất cập, chưa tương xứng.

Với những lý do trên, đại biểu cho rằng việc xây dựng công an xã thành lực lượng chính quy là hết sức cần thiết.

Thực tế hiện nay, Bộ cũng đã bố trí đến 1.065 đơn vị công an xã, thị trấn là chính quy. Hiện chỉ còn 8.516 đơn vị là chưa bố trí chính quy, đại biểu Trang nói.

Theo đại biểu, nếu như luật này được Quốc hội thông qua thì Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế để đảm nhận nhiệm vụ chính quy ở công an cấp xã. Điều này cũng không làm tăng biên chế của công an.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định của bộ máy chính quyền xã, phường, thị trấn, đại đề nghị Chính phủ và Bộ Công an cần phải xây dựng một lộ trình để chính quy hóa công an xã một cách rất cụ thể, phù hợp, không làm đồng loạt và ồ ạt.

Phải có lộ trình chuyển đổi, ưu tiên những xã phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) góp ý.

Chuyển đổi mô hình tổ chức công an xã từ bán chuyên trách kết hợp chuyên trách sang chuyên trách hoàn toàn theo đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) là đổi mới căn bản quan điểm, phương hướng, biện pháp xây dựng công an xã và thị trấn. Việc này có cơ sở, song theo đại biểu thì cơ sở khoa học và thực tiễn cho vấn đề này chưa vững chắc, cần thận trọng.

Về thực tiễn, đại biểu Tường phân tích, trong báo cáo tổng kết và nhiều ý kiến cho rằng tổ chức công an cấp xã không có lực lượng bán chuyên trách thì không thể có thế trận an ninh vững chắc và không có được phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc sâu rộng. Vì họ là người địa phương, hơn ai hết họ nắm được tình hình, hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, điều kiện sống, môi trường tương đồng, dễ hòa nhập, gắn bó với cơ sở. 

Do vậy điều kiện nắm, phát hiện các vấn đề nảy sinh, giải quyết và tham mưu hiệu quả, đúng hướng. Họ dường như không có ở chỗ nào nhưng có mặt ở khắp mọi nơi. Nếu đội ngũ này được bồi dưỡng về mặt nghiệp vụ, quan tâm hơn về vật chất, thực sự làm nòng cốt phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc thì lan tỏa rất nhanh, sâu rộng, bao quát hết các vùng miền.

Từ phân tích trên, đại biểu Tường đề nghị xây dựng một điều về công an bán chuyên trách cấp xã, bổ sung các điều có liên quan để phù hợp với thực tiễn hiện nay theo hướng quy định về nguyên tắc tổ chức, chế độ, chính sách, còn các vấn đề khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Như vậy, tổ chức công an cấp xã có nhiều loại hình, tổ chức như cấp phường, thị trấn và như 8.516 xã hiện nay, loại nào cũng có đủ luật điều chỉnh.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an không hồi âm cụ thể những băn khoăn của đại biểu mà xin nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện các quy định trong dự thảo luật, trong đó có xây dựng lực lượng công an xã chính quy.