08:00 12/04/2019

Đường Quảng Ngãi tăng tốc cho mục tiêu doanh thu tỷ USD ở mảng sữa đậu nành

Sơn Anh

Năm 2018, Vinasoy - Đơn vị thành viên trực thuộc công ty Đường Quảng Ngãi gây chú ý khi tuyên bố sẽ cán mốc doanh thu một tỷ USD (khoảng 23.200 tỷ đồng) vào năm 2027

Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc Điều hành Vinasoy: "Đứng trước mục tiêu tỷ USD doanh nghiệp phải vượt qua những nấc thang tăng trưởng vững chắc và cần một cuộc cải tổ".
Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc Điều hành Vinasoy: "Đứng trước mục tiêu tỷ USD doanh nghiệp phải vượt qua những nấc thang tăng trưởng vững chắc và cần một cuộc cải tổ".

Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường sữa đậu nành tập trung củng cố ba trụ cột là đa dạng sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh xuất khẩu.

Con đường tỷ USD

Năm 2018, Vinasoy - Đơn vị thành viên trực thuộc công ty Đường Quảng Ngãi gây chú ý khi tuyên bố sẽ cán mốc doanh thu một tỷ USD (khoảng 23.200 tỷ đồng) vào năm 2027. Chiến lược 10 năm được hoạch định với tốc độ tăng trưởng 15-20% một năm. Tham vọng này lập tức dấy lên nhiều câu hỏi xoay quanh những bài toán khó mà doanh nghiệp cần giải. Trước hết là câu chuyện duy trì tăng trưởng khi thị phần 84,5% đã là quá lớn.

Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc Điều hành Vinasoy thừa nhận, mục tiêu một tỷ USD đầy thách thức. Hành trình ấy đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua những nấc thang tăng trưởng vững chắc và cần một cuộc cải tổ, chuyển đổi toàn diện trong hoạt động, chứ không đơn thuần là cải tiến.

Đơn vị dẫn đầu ngành sữa đậu nành xác định năm 2019 là năm đầu tiên trên hành trình chinh phục tỷ USD với mức tăng trưởng doanh thu kỳ vọng khoảng 15%. Đây là tỷ lệ an toàn, thể hiện chiến lược "chậm mà chắc" khi triển khai đồng loạt nhiều giải pháp chuyển đổi toàn diện.

Từ những nguồn gien quý…

Công ty có chỗ dựa vững chắc là Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành, sở hữu 1.588 giống từ phổ thông đến quý hiếm thu thập từ khắp nơi trên thế giới. Các chuyên gia tại Đại học Missouri và Illinois, Mỹ cũng tham gia công cuộc nghiên cứu, lai tạo ra những giống đậu nành mới, cho năng suất và giá trị dinh dưỡng cao hơn.

Nhờ sở hữu ngân hàng giống với hàng nghìn nguồn gien quý và ứng dụng công nghệ cao, Vinasoy lai tạo được những giống đậu nành không biến đổi gien (non-GMO) có năng suất vượt trội, đạt từ 2,8-3 tấn một hecta, so với giống địa phương chỉ 1,5-1,8 tấn. Điều này cũng thu hút ngày càng nhiều các hộ nông dân bắt tay hợp tác trồng đậu nành với doanh nghiệp vì đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định được đời sống.

Ông Ngô Văn Tụ cho biết, trong vụ 2018, công ty đã hợp tác với nông dân tại Đắk Nông trồng giống mới đậu nành trên diện tích 200ha, dự kiến mở rộng ra 500ha trong 2019. Ngoài ra doanh nghiệp thu mua đậu nành trồng ở Tây Nguyên với tổng diện tích khoảng 5.000ha.

Ông Tụ nêu điển hình tại Nhật Bản, các nhà sản xuất sữa đậu nành và natto cũng vừa nhập khẩu vừa tự trồng, nhưng giá sản phẩm sử dụng nguyên liệu trong nước cao gấp rưỡi bởi độ tươi ngon tinh túy của hạt đậu.

Đến những giá trị tốt lành của đậu nành

Trong năm 2018 hai dòng sữa đậu nành Fami Go bổ sung năng lượng theo tiêu chí "dinh dưỡng trọn gói" trong một hộp sữa được thị trường đón nhận tốt. Dự kiến năm nay sẽ có tối thiểu 3 dòng sản phẩm mới gia nhập thị trường thức uống dinh dưỡng từ thực vật.

"Tôi tin vào những giá trị tốt lành mà hạt đậu nành mang lại, việc của chúng tôi không chỉ là làm ra sữa, mà là sẻ chia, lan tỏa giá trị ấy đến càng nhiều người càng tốt", ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc Điều hành Vinasoy.

Ông Ngô Văn Tụ tin rằng, chỉ trong khoảng 2-3 năm nữa, thị trường sẽ có thêm nhiều dòng sữa đậu nành giàu dưỡng chất chuyên biệt như omega-3,6,9,… được chiết xuất hoàn toàn từ những hạt đậu nành không biến đổi gen và không phải bổ sung thêm dưỡng chất từ bên ngoài vào.

"Đại gia" ngành sữa đậu nành đã có kế hoạch xuất ngoại, trước hết là thâm nhập thị trường tỷ dân Trung Quốc, thông qua các hệ thống siêu thị. Sắp tới Vinasoy cũng sẽ đàm phán với các sàn thương mại điện tử lớn tại đây để đẩy mạnh kênh trực tuyến, nhanh chóng gia tăng sự hiện diện của sữa đậu nành Việt trên thị trường quốc tế.

"Để tiến đến mục tiêu một tỷ USD thì việc cải tiến thuần ty là chưa đủ, cần có một sự chuyển đổi toàn diện, từ vùng nguyên liệu, sản phẩm, cách thức phân phối tiếp thị và cách chinh phục thị trường", ông Ngô Văn Tụ nói.

Át chủ bài của Đường Quảng Ngãi

Theo dự báo của Tetra Pak, mức tiêu thụ sữa đậu nành ở Việt Nam sẽ gia tăng từ 780 triệu lít lên mức 900 triệu lít trong vòng 4 năm tới. Với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành, Vinasoy có triển vọng cao trong việc tiếp tục mở rộng độ phủ, nhất là tại những khu vực đang có mức tiêu thụ sữa đậu nành thương hiệu thấp.

Báo cáo của Chứng khoán Phú Hưng nhận định, chiến lược đa dạng hóa sản phẩm từ đậu nành sẽ thúc đẩy Vinasoy nói riêng và công ty mẹ Đường Quảng Ngãi nói chung gia tăng sản lượng trong giai đoạn 2018-2020. Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng dự báo kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm Fami Go sẽ mang về mức tăng 7% doanh thu từ sữa của công ty trong năm nay.

Năm 2018, Đường Quảng Ngãi ghi nhận tổng doanh thu 8.218 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.204 tỷ, tăng lần lượt 6% và 20% so với năm 2017. Trong đó riêng mảng sữa đậu nành Vinasoy đóng góp khoảng 52% tổng doanh thu.

Năm nay trong bối cảnh ngành mía đường còn gặp khó, Đường Quảng Ngãi tiếp tục đặt kỳ vọng lớn vào "đứa con cưng" Vinasoy với tỷ trọng đóng góp gần 50% doanh thu, 65-70% lợi nhuận. Công ty đưa ra mục tiêu chung trên tinh thần "chậm mà chắc" với tổng doanh thu 8.400 tỷ đồng.