Fiat Chrysler đề nghị sáp nhập với Renault

Đức Anh
Nếu thành công, vụ sáp nhập này sẽ tạo ra nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba thế giới, sau Volkswagen và Toyota
Thông tin sáp nhập đẩy giá cổ phiếu Renault và Fiat Chrysler tăng lần lượt hơn 15% và 11% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.
Thông tin sáp nhập đẩy giá cổ phiếu Renault và Fiat Chrysler tăng lần lượt hơn 15% và 11% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.

Theo CNN, hãng xe Pháp Renault cho biết đang cân nhắc một thương vụ sáp nhập với nhà sản xuất ôtô Fiat Chrysler. Thương vụ này sẽ định hình lại ngành công nghiệp ôtô toàn cầu và giúp 2 hãng xe này cạnh tranh trong cuộc đua ôtô điện và ôtô tự lái. 

Renault ngày 27/5 cho biết sẽ "nghiên cứu" đề xuất từ Fiat Chrysler về thương vụ sáp nhập trong đó mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần của công ty mới với tổng doanh số bán hàng là 8,7 triệu ôtô mỗi năm.

Nếu thành công, vụ sáp nhập này sẽ tạo ra nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba thế giới, sau Volkswagen của Đức và Toyota của Nhật. Hãng xe Mỹ General Motors đã tụt xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Thông tin trên đã đẩy giá cổ phiếu Renault tăng hơn 15% tại Paris trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, còn cổ phiếu Fiat Chrysler tăng khoảng 11% tại Milan.

Hai công ty này từ trước đã thảo luận về các phương thức hợp tác về sản phẩm và công nghệ mới, nhưng theo thông cáo của Fiat Chrysler, một thương vụ sáp nhập sẽ mang lại lợi ích lớn hơn nữa.

"Những cuộc thảo luận này đã cho thấy một điều rõ ràng rằng việc hợp tác rộng hơn thông qua sáp nhập sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả sử dụng vốn và tốc độ phát triển sản phẩm", Fiat Chrysler - hãng xe được hợp thành từ hai công ty Fiat của Italy và Chrysler của Mỹ vào năm 2014, cho biết.

Fiat Chrysler hiện sở hữu các thương hiệu gồm Jeep, Dodge, Alfa Romeo và Maserati. Một trong các thị trường hàng đầu của Fiat Chrysler là Bắc Mỹ - nơi sự hiện diện của Renault còn khá khiêm tốn.

Đề xuất thương vụ sáp nhập giữa Fiat Chrysler và Renault là hợp tác mới nhất giữa các hãng xe lớn để chia sẻ chi phí phát triển các công nghệ mới bao gồm ôtô tự lái và hệ thống lái tự động. Trước đó, các hãng xe Đức BMW và Daimler cũng đã thành lập liên doanh phát triển dịch vụ chia sẻ chuyến đi và dịch vụ sạc xe điện. Còn Ford và Volkswagen đang hợp tác để phát triển một số dòng xe mới.

Vài tháng gần đây, xu hướng hợp tác này gia tăng khi các nhà sản xuất xe hơi chịu áp lực ngày càng lớn từ những hãng xe điện mới nổi như Tesla cũng như hãng công nghệ như Uber.

Fiat Chrysler cho biết thương vụ sáp nhập với Renault sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn 5 tỷ Euro (5,6 tỷ USD) mỗi năm và không có nhà máy nào bị đóng cửa sau sáp nhập. Fiat Chrysler hiện đứng thứ 4 tại Mỹ về doanh số và thứ 8 trên toàn cầu. Công ty này cũng đang bám riết các đối thủ trong việc phát triển ôtô điện và công nghệ tự lái - được xem là tương lai của ngành công nghiệp ôtô.

Sergio Marchionne, cựu CEO của Fiat Chrysler - người đã qua đời vào năm ngoái, từng chia sẻ về việc công ty này cần sáp nhập với một hãng xe lớn hơn để có lợi thế về quy mô và nguồn lực. Khi còn giữ cương vị điều hành, ông thậm chí từng cố gắng thúc đẩy một thương vụ sáp nhập với General Motors, nhưng bị từ chối.

Trong khi đó, Renault hiện đã là thành viên của liên minh ôtô lớn nhất thế giới cùng với 2 hãng xe Nhật Nissan và Mitsubishi Motors. Theo các nhà phân tích, hiện chưa rõ thương vụ sáp nhập với Fiat Chrysler sẽ ảnh hưởng thế nào khi liên minh này đang "lung lay" sau khi cựu chủ tịch Carlos Ghosn bị bắt giữ vào năm ngoái.

Renault hiện nắm giữ 4,5% cổ phần của Nissan, và ngược lại, hãng xe Nhật nắm 15% cổ phần Reunault. Hãng xe Pháp, với doanh số thấp hơn của đối tác Nhật, từ lâu đã muốn một thương vụ sáp nhập nhưng bị từ chối.

Dù quan hệ giữa Nissan và Renault bị ảnh hưởng không nhỏ sau khi Ghosn bị bắt, việc thêm Fiat Chrysler vào liên minh sẽ đưa tổng doanh số ôtô của liên minh này lên 15 triệu chiếc mỗi năm.

Ngày 27/5, cả Renault và Fiat Chrysler đều nói rằng việc sáp nhập sẽ mang lại lợi ích cho liên minh này. Trong khi đó, Nissan từ chối đưa ra bình luận. Đại diện của Mitsubishi Motors cũng chưa đưa ra bình luận nào.

Chính phủ Pháp, hiện sở hữu 15% cổ phần tại Renault, đưa ra phát ngôn ám chỉ có thể sẽ ủng hộ thương vụ này. "Chúng ta có các công ty lớn được xây dựng bên ngoài châu Âu, giờ đây chúng ta cần những công ty lớn ở ngay trong châu lục này", Sibeth Ndiaye, người phát ngôn của chính phủ Pháp, nói với kênh truyền hình BFMTV.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.