14:24 15/07/2021

Gần 12.000 tỷ đồng "cứu nguy" cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Ánh Tuyết

Dự án mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây 24 km, với tổng vốn thực hiện khoảng 11.505,6 tỷ đồng sẽ cứu nguy cho tình trạng quá tải hiện nay, đón đầu sức ép giao thông từ sân bay Long Thành...

Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn tắc bởi lượng xe cộ lớn.
Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn tắc bởi lượng xe cộ lớn.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo đầu kỳ kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nếu được cơ quan có thẩm quyền thông qua, thời gian thực hiện dự án là từ năm 2021-2025.

Đoạn mở rộng được đề xuất dài 24 km trong tổng 55 km toàn tuyến. Điểm đầu từ cầu Bà Dạt, quận 2, TP. HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, huyện Long Thành, Đồng Nai sẽ thực hiện mở rộng mặt đường từ 4 lên 8 làn xe. Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên quy mô như hiện tại. Ngoài ra, các nút giao trên tuyến như: An Phú, vành đai 3, quốc lộ 51 cũng sẽ được nghiên cứu kết nối đồng bộ với mở rộng cao tốc.

 
Đoạn mở rộng được đề xuất dài 24 km trong tổng 55 km toàn tuyến. Tổng vốn thực hiện dự án vào khoảng 11.505,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 405 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 8.306 tỷ đồng; phần còn lại là dự phòng; tư vấn và quản lý dự án…

Trên cơ sở quy mô giai đoạn 1 của dự án đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư vào năm 2007, Tư vấn kiến nghị quy mô mở rộng đoạn An Phú – Vành đai 2 (Km0+000 – Km4+514) là đường đô thị, tốc độ thiết kế 100km/h.

Đoạn từ Vành đai 2 - Long Thành - Dầu Giây (Km4+514 - Km54+983) là đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120 km/h; riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h. 

Trước đó, vào tháng 10/2020, Tổng công ty Cửu Long, tiền thân của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã trình Bộ Giao thông vận tải phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây để giải quyết ùn tắc và đáp ứng nhu cầu phương tiện tăng trên tuyến này, đặc biệt là khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đi vào khai thác.

Tại nhiều thời điểm, lượng phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc đạt hơn 52.000 xe mỗi ngày, hiện tượng ùn tắc, kẹt xe thường xuyên diễn ra. 

Theo dự báo lưu lượng giao thông của Tư vấn, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Long Thành quy mô 4 làn xe hiện nay đã mãn tải và đến năm 2025 sẽ vượt quá 25% năng lực thông hành. Đoạn từ nút giao Long Thành đến Dầu Giây đảm bảo khai thác quy mô 4 làn xe đến năm 2030, đoạn từ nút giao Dầu Giây đến Phan Thiết đảm bảo khai thác quy mô 4 làn xe đến năm 2050.

Như vậy, nếu đến năm 2025 tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa được đầu tư mở rộng đoạn An Phú - Long Thành thì ảnh hưởng nghiêm trọng năng lực thông hành của đoạn tuyến cao tốc này.

 
Được khởi công vào tháng 10/2009, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55 km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h với tổng vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng. Tuy nhiên, tuyến thường xuyên ùn tắc do lưu lượng phương tiện tăng nhanh. Theo công suất thiết kế ban đầu, 4 làn xe của cao tốc đáp ứng cho 44.000 lượt xe mỗi ngày.