07:56 15/01/2019

Giá dầu giảm liền hai phiên vì tin xấu từ Trung Quốc

Diệp Vũ

Dữ liệu từ Trung Quốc đã làm gia tăng mối lo về sự giảm tốc của nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu

Tuy nhiên, giá "vàng đen" vẫn đang được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga - Ảnh: CNBC.
Tuy nhiên, giá "vàng đen" vẫn đang được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga - Ảnh: CNBC.

Giá dầu giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi thống kê cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu cùng sụt giảm ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Theo tin từ CNBC, dữ liệu từ Trung Quốc đã làm gia tăng mối lo về sự giảm tốc của nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố cho thấy xuất khẩu của nước này trong tháng 12/2018 giảm mạnh nhất 2 năm và nhập khẩu cũng giảm, trái ngược với dự báo tăng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Những con số này được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng yếu đi của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,15 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 59,33 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York hạ 1,08 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 50,51 USD/thùng.

"Dữ liệu cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều gây thất vọng và đẩy cao nỗi lo về sự suy giảm tăng trưởng kinhh tế toàn cầu", ông Norbert Ruecker, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc ngân hàng Julius Baer, nhận định.

Vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai, dầu thô đã tăng giá. Tuy nhiên, giá dầu đã đảo chiều ngay sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu về xuất nhập khẩu. Thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm điểm trong phiên đầu tuần vì mối lo này.

"Giá dầu đang chịu sức ép giảm từ khả năng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu đi", ông Stephen Innes, nhà giao dịch thuộc công ty Oanda, nhận định. "Các con số thống kê này cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại đối với kinh tế Trung Quốc, và thậm chí đối với cả nền kinh tế toàn cầu".

Tuy nhiên, giá "vàng đen" vẫn đang được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đối tác gồm Nga. Theo thỏa thuận đạt được vào đầu tháng 12 năm ngoái, nhóm này sẽ hạ sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, và việc hạn chế khai thác dầu đã bắt đầu được thực thi từ ngày 1/1.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih, ngày 14/1 nói rằng ở thời điểm hiện tại, ông chưa cảm thấy lo về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ dầu chững lại.

"Nền kinh tế toàn cầu vẫn đủ mạnh. Tôi chưa quá lo. Nếu sự giảm tốc xảy ra, thì đó sẽ là giảm tốc nhẹ và trong thời gian ngắn", ông Falih nói.

Trước đó, vào hôm Chủ nhật, ông Falih nói rằng thị trường dầu "đang đi đúng hướng" và OPEC không cần phải tổ chức một cuộc họp bất thường nào trước cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 4/2019.