09:37 16/08/2018

Giá dầu lao dốc do dự trữ của Mỹ tăng mạnh

Diệp Vũ

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xấu đi và sự giảm điểm của chứng khoán Mỹ cũng gây áp lực giảm giá lên “vàng đen”

Bể chứa và đường ống dẫn dầu tại cảng dầu Cushing ở bang Oklahoma, Mỹ - Ảnh: CNBC.
Bể chứa và đường ống dẫn dầu tại cảng dầu Cushing ở bang Oklahoma, Mỹ - Ảnh: CNBC.

Giá dầu thế giới sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này bất ngờ tăng mạnh. Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xấu đi và sự giảm điểm của chứng khoán Mỹ cũng gây áp lực giảm giá lên "vàng đen".

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ mất 2,03 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 65,01 USD/thùng, mức giá chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 6/6. Trong phiên, có lúc giá dầu ngọt nhẹ giảm còn 64,51 USD/thùng, thấp nhất 8 tuần.

Tại thị trường London, giá dầu Brent sụt 1,7 USD/thùng, tương đương giảm 2,3%, còn 70,76 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent giảm về 70,3 USD/thùng, thấp nhất 4 tháng.

Hãng tin CNBC dẫn báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô thương mại của nước này tăng 6,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 10/8. Trước đó, giới phân tích dự báo dự trữ này giảm 2,5 triệu thùng.

Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh khi nhập khẩu dầu của nước này tăng 1 triệu thùng/ngày và xuất khẩu dầu giảm 250.000 thùng/ngày. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ trong tuần hoạt động với 98% công suất, nhưng cũng không thể tiêu thụ hết nguồn cung dầu tăng thêm như vậy.

Dự trữ dầu tại cảng dầu Cushing ở bang Oklahoma tăng thêm 1,6 triệu thùng trong tuần qua. Trong khi dự trữ tại các kho dầu ở bờ Đông và bờ Tây tăng thêm hơn 2 triệu thùng mỗi nơi.

Dự trữ xăng của Mỹ giảm nhiều hơn một chút so với dự báo, nhưng dự trữ các sản phẩm chưng cất gồm dầu diesel và dầu sưởi tăng 3,6 triệu thùng, lớn gấp 3 lần mức tăng mà giới phân tích dự báo.

Giá dầu đã giảm khi phiên giao dịch ngày thứ Tư tại Mỹ mới bắt đầu, trước khi EIA công bố các dữ liệu trên. Ngoài số liệu về dự trữ dầu, gây sức ép giảm giá dầu phiên này còn có sự giảm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ, đồng USD mạnh, và những lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng dẫn tới mối lo rằng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc và sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu đi xuống.

Một chỉ số tăng trưởng toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đạt đỉnh vào tháng 1 năm nay, nhưng đã đi xuống sau đó và giảm dưới ngưỡng xu hướng trong tháng 5 và 6. Chỉ số này là một "hàn thử biểu" về sự tăng trưởng của các nền kinh phát triển và các nền kinh tế mới nổi lớn nhất gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Indonesia và Nam Phi.

Theo số liệu của Cục Phân tích chính sách kinh tế Hà Lan, tăng trưởng thương mại toàn cầu so với cùng kỳ năm ngoái đạt đỉnh ở mức 5,7% vào tháng 1 năm nay, nhưng đến tháng 5 chỉ còn ở mức 3%.

Theo hãng tin Reuters, các nhà nhập khẩu dầu Trung Quốc có vẻ như đang dừng mua dầu thô của Mỹ vì lo ngại Bắc Kinh có thể đưa mặt hàng này vào danh sách áp thuế quan.

Kể từ đầu tháng 8 đến nay, chưa có một tàu chở dầu thô nào xuất phát từ Mỹ để đi đến Trung Quốc - theo dữ liệu theo dõi vận tải biển của Thomson Reuters Eikon.