07:56 23/05/2019

Giá dầu sụt mạnh vì tồn kho dầu Mỹ tăng vọt

Diệp Vũ

Giới đầu tư đang lo cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, khi lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng mạnh làm gia tăng nỗi lo của giới đầu tư rằng cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 1,71 USD/thùng, tương đương giảm 2,7%, còn 61,39 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI trong hơn 1 tuần.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau chốt phiên với mức giảm 1,19 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 70,99 USD/thùng.

Dữ liệu hàng tuần do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố cho thấy tồn kho dầu thô của nước này bất ngờ tăng 4,7 triệu thùng, so với mức dự báo giảm khoảng 600.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

"Lượng tồn kho tăng thêm này quá lớn so với những gì được dự báo", nhà phân tích Bob Yawger thuộc Mizuho nhận xét. "Điều này gây áp lực lớn lên giá dầu, xét tới việc đây là thời điểm mà mùa lái xe cao điểm đang tới rất gần".

Không chỉ tồn kho dầu thô tăng mà tồn kho xăng của Mỹ cũng tăng mạnh trong tuần qua, với mức tăng 3,7 triệu thùng, so với dự báo giảm hơn 800.000 thùng mà giới phân tích đưa ra.

Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài cũng gây áp lực giảm lên giá dầu. Cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho đã rơi vào bế tắc kể từ sau vòng đàm phán gần đây nhất hôm 10/5.

Xung đột Mỹ-Trung đang đè nặng lên các dự báo tăng trưởng kinh tế cũng như dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hôm thứ Ba tuần này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019.

Chuyên gia Stephen Brennock thuộc PVC nói rằng thị trường dầu lửa hiện đang ở trong trạng thái cân bằng mong manh, nên bất kỳ căng thẳng nào mới trong quan hệ giữa Mỹ và Iran hoặc giữa Mỹ và Trung Quốc cũng "có khả năng khiến giá dầu tăng hoặc giảm 10 USD/thùng".

Trong khi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc gây áp lực giảm giá lên dầu, thì mối quan hệ xấu đi giữa Washington với Tehran lại là nhân tố có thể đẩy giá dầu tăng mạnh. Hôm thứ Ba, quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói rằng nguy cơ từ Iran vẫn ở mức cao.

Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), hôm thứ Tư tuyên bố cam kết giữ cho thị trường dầu lửa một thế cân bằng bền vững. Nước này đi đầu trong việc thực thi thỏa thuận hạn chế sản lượng mà OPEC cùng đối tác gồm Nga triển khai từ đầu năm. Hiện chưa rõ thỏa thuận này có được gia hạn sau khi hết hạn vào tháng 6.

Khi thị trường gần đây lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung có thể xảy ra ở vùng Vịnh do căng thẳng Mỹ-Iran, Saudi Arabia vẫn tỏ ý không muốn nâng sản lượng khai thác dầu.

Ngân hàng Mỹ Morgan Stanley dự báo giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 75-80 USD/thùng trong nửa sau của năm nay, có xu hướng bị đẩy lên do nguồn cung thắt lại.

Ngoài thỏa thuận giữa OPEC và đối tác, nguồn cung dầu toàn cầu năm nay còn bị siết lại do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hai nước thành viên OPEC là Iran và Venezuela.