08:04 15/05/2019

Giá dầu tăng do căng thẳng leo thang ở vùng Vịnh

Diệp Vũ

Saudi Arabia nói rằng thiết bị bay không người lái (drone) mang theo chất nổ đã tấn công vào cơ sở dầu lửa của nước này

Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih - Ảnh: Getty/CNBC.
Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Saudi Arabia nói rằng thiết bị bay không người lái (drone) mang theo chất nổ tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của tập đoàn quốc doanh Aramco.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 1,01 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 71,24 USD/thùng.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,74 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, đóng cửa ở 61,78 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ hôm 6/5 và của dầu WTI kể từ hôm 8/5.

Saudi Arabia nói thiết bị bay không người lái chứa chất nổ đã tấn công vào hai trạm bơm dầu của nước này vào ngày thứ Ba, đồng thời gọi đây là một hành động khủng bố "hèn nhát". Vụ việc xảy ra hai ngày sau khi hai tàu chở dầu của Saudi Arabia bị tấn công ở khu vực ngoài khơi gần Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Giới an ninh quốc gia Mỹ nói họ tin rằng những lực lượng thân Iran hoặc làm việc cho Iran có thể đã đứng sau những vụ tấn công này, thay vì lực lược của chính Iran. Trong khi đó, giới chức Iran phủ nhận có bất kỳ trách nhiệm nào sau các vụ tấn công.

Tehran hiện đang ở trong một cuộc "khẩu chiến" leo thang với Mỹ kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này. Căng thẳng gia tăng gần đây khi ông Trump siết trừng phạt nhằm khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm về 0.

Về phần mình, Iran đã nhiều lần dọa sẽ trả đũa Mỹ bằng cách đóng cửa eo biển Hormuz, nơi các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông đưa dầu ra thế giới. Khoảng 1/5 lượng tiêu thụ dầu toàn cầu được vận chuyển qua eo biển được coi là một tuyến vận tải biển huyết mạch này.

Gần đây, Mỹ đã điều thêm chiến hạm và tên lửa tới vùng Vịnh, khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp giữa Mỹ với Iran ở nơi được xem là "vựa dầu" của thế giới. Vấn đề này đã trở thành một nhân tố quan trọng hỗ trợ giá dầu, trong bối cảnh thị trường lo ngại rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

"Với căng thẳng gia tăng giữa Iran và Mỹ, với sự hiện diện hải quân của Mỹ gia tăng trong khu vực, thị trường đang rất nhạy cảm với tin tức và có thể biến động chỉ với những dấu hiệu xung đột nhỏ nhất", ông Mihir Kapadia, Giám đốc Sun Global Investments, nhận xét.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) ngày thứ Ba nói rằng nhu cầu tiêu thụ dầu OPEC của thế giới trong năm nay sẽ cao hơn dự báo ban đầu, trong khi tăng trưởng nguồn cung dầu từ các nước khác, bao gồm dầu đá phiến của Mỹ, sẽ chững lại. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thắt chặt hơn nếu OPEC không nâng sản lượng.

Trong khi đó, một báo cáo ra hôm thứ Hai của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nói rằng sản lượng của 7 nhà khai thác dầu đá phiến lớn nhất của nước này có thể lập đỉnh mới ở mức 8,5 triệu thùng/ngày trong tháng 6.

Phiên ngày thứ Ba, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi sự hồi phục của thị trường chứng khoán Phố Wall, khi Mỹ và Trung Quốc bớt căng thẳng hơn trong những phát biểu về chiến tranh thương mại. Trước đó, giá dầu đã sụt khá mạnh trong phiên ngày thứ Hai do chiến tranh thương mại leo thang.