10:28 19/01/2019

Giá dầu tăng mạnh, đạt đỉnh gần 2 tháng

Diệp Vũ

Giá dầu WTI và Brent cùng tăng khoảng 4% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng thứ 3 liên tục

Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn đang rất bấp bênh mà sản lượng khai thác dầu của Mỹ tiếp tục tăng mạnh - Ảnh: Bloomberg/Getty.
Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn đang rất bấp bênh mà sản lượng khai thác dầu của Mỹ tiếp tục tăng mạnh - Ảnh: Bloomberg/Getty.

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đạt mức cao nhất trong gần 2 tháng, cùng với sự đi lên của thị trường chứng khoán nhờ thông tin nói rằng Trung Quốc đang vạch ra một kế hoạch nhằm giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 1,73 USD/thùng, tương đương tăng 3,3%, chốt ở 53,8 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 21/11.

Tại thị trường London, giá dầu Brent chốt phiên với mức tăng 1,52 USD/thùng, tương đương tăng 2,48%, đạt 62,7 USD/thùng.

Hãng tin CNBC cho biết giá của cả hai loại dầu cùng tăng khoảng 4% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng thứ 3 liên tục sau ba tháng sụt giảm chóng mặt vào cuối năm 2018.

Thị trường trở nên phấn chấn hơn trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần sau khi hãng tin Bloomberg đang một bản tin nói rằng Trung Quốc muốn tăng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc thêm 1 nghìn tỷ USD trong thời gian từ nay đến 2024 để giảm thặng dư thương mại Trung-Mỹ về 0.

Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ giận dữ về thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia khác. Bởi vậy, một đề xuất như trên từ Trung Quốc có thể sẽ hấp dẫn được nhà lãnh đạo dẫn đầu trường phái bảo hộ mậu dịch này.

Mặc dù vậy, các nhà đàm phán Mỹ - những người muốn giải quyết các vấn đề gai góc hơn về quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp tài sản trí tuệ - vẫn đang giữ quan điểm hoài nghi, Bloomberg cho hay.

Trước đó, vào hôm thứ Năm, tờ Wall Street Journal nói rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đang tín dỡ một phần hoặc toàn bộ thuế quan bổ sung đã áp lên hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Thời gian qua, xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm dấy lên nỗi lo về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu.

"Câu hỏi khó nhất về thị trường dầu năm 2019 là mức nhu cầu. Bởi vậy mà giá dầu đang diễn biến rất sát với thị trường chứng khoán, phản ánh các kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu", bà Tamar Essner, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng thuộc Nasdaq Corporate Solutions, phát biểu.

"Giới đầu tư hiện vẫn lo ngại rằng những số liệu đáng lo ngại từ Trung Quốc, bao gồm doanh số thị trường xe sụt giảm hay doanh số bán lẻ đi xuống, là một dấu hiệu cho sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu trong thời gian tới".

Trong một báo cáo ra ngày 18/1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng việc đưa thị trường dầu đang dư cung hiện nay về trạng thái cân bằng sẽ là một cuộc chạy đường dài thay vì một cuộc chạy nước rút, bởi nhu cầu vẫn đang rất bấp bênh mà sản lượng khai thác dầu của Mỹ tiếp tục tăng mạnh.

Mặc dù vậy, dữ liệu mới nhất từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ tăng chậm lại trong thời gian tới. Tuần trước, số lượng giàn khoan dầu hoạt động của Mỹ đã giảm 21 giàn, còn 852 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 5.

Phiên này, giá dầu tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ một báo cáo ra hôm thứ Năm cho thấy sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sụt mạnh trong tháng 12, một dấu hiệu cho thấy nhóm 14 quốc gia này đã bắt đầu sớm thỏa thuận cắt giảm sản lượng có hiệu lực từ ngày 1/1.

Một số nhà phân tích cũng tin rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu lửa của Iran sẽ được thắt chặt trong những tháng sắp tới. Mỹ tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran kể từ tháng 11 năm ngoái, nhưng vẫn cho phép 8 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục được mua dầu từ Iran trong vòng 6 tháng.

Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group hôm thứ Năm nói rằng Washington có thể sẽ tiếp tục các biện pháp miễn trừ đối với việc mua dầu Iran của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng Hy Lạp, Italy và Đài Loan có thể sẽ không được hưởng miễn trừ nữa kể từ tháng 5.