09:00 01/11/2019

Giá dầu trượt dốc 4 phiên liên tiếp khi ám ảnh giảm tăng trưởng toàn cầu quay lại

Thăng Điệp

Nỗi lo về sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã quay trở lại ám ảnh tâm trí giới giao dịch dầu lửa

Một giếng dầu ở vùng Permian Basin của Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.
Một giếng dầu ở vùng Permian Basin của Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm phiên thứ tư liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, xuống mức thấp nhất 1 tuần, nhưng chốt tháng 10 với mức tăng nhẹ.

Nỗi lo về sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã quay trở lại ám ảnh tâm trí giới giao dịch dầu lửa. Loạt dữ liệu xấu về hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc khiến thị trường bi quan. Thông tin nói rằng các quan chức Trung Quốc hoài nghi về triển vọng đạt một thỏa thuận thương mại toàn diện, lâu dài với Mỹ cũng gây áp lực giảm lên giá "vàng đen".

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 12 giảm 0,88 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 54,18 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI kể từ hôm 22/10. Tính cả tháng, giá dầu loại này tăng 0,2%.

Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 12 chốt phiên với mức giảm 0,38 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 60,23 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 22/10. Trong tháng 10, giá dầu Brent tăng 0,9%.

Theo trang MarketWatch, trong một báo cáo ra ngày thứ Năm, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng của Mizuho Securities USA, ông Robert Yawger, cho rằng phiên giảm giá này của dầu xuất phát từ "sự bi quan về tình hình thương chiến Mỹ-Trung".

Một bản tin của Bloomberg dẫn nguồn thạo tin nói giới chức Trung Quốc nghi ngờ về khả năng đi đến một thỏa thuận dài hạn, toàn diện với Mỹ, cho dù hai nước gần đây có tiến bộ nhằm ký kết thỏa thuận "giai đoạn 1". Bản tin nói phía Trung Quốc lo ngại về tính cách có phần "bốc đồng" của Tổng thống Donald Trump và tính đến khả năng ông Trump thậm chí có thể quay lưng lại với thỏa thuận "giai đoạn 1" lúc nào không hay.

Hiện tại, Mỹ-Trung vẫn đang nỗ lực để ký kết thỏa thuận "giai đoạn 1" sau vài tuần nữa.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 31/10 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - thước đo về hoạt động của các nhà máy - ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng là 49,3 điểm trong tháng 10, từ 49,8 điểm trong tháng 6.

Ngưỡng điểm dưới 50 cho thấy hoạt động của các nhà máy suy giảm, một lần nữa đẩy cao nỗi lo về sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Đây đã là tháng thứ 6 liên tiếp hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc đi xuống.

Trong phiên ngày thứ Tư, dầu đã sụt giá vì báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu tồn kho của nước này tăng vượt dự báo - dấu hiệu của sự dư thừa nguồn cung.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters nhận định rằng giá dầu sẽ tiếp tục chịu sức ép giảm trong năm nay và năm tới. 51 nhà kinh tế học và phân tích được thăm dò ý kiến dự báo giá dầu Brent sẽ bình quân ở mức 64,16 USD/thùng trong năm nay và 62,38 USD/thùng trong 2020.