08:27 27/05/2021

Giá thép ở Trung Quốc giảm chóng mặt, nhiều doanh nghiệp lỗ chồng chất

An Huy

Sau loạt cảnh báo của Chính phủ Trung Quốc, giá thép ở nước này đã giảm mạnh. Một số doanh nghiệp thậm chí cho biết lợi nhuận của họ từ đầu năm đến nay đã bị quét sạch chỉ trong vòng hai tuần...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Sau loạt cảnh báo của Chính phủ Trung Quốc, giá thép ở nước này đã giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp thép lỗ nặng.

 

Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5, giá các sản phẩm thép ở Trung Quốc đã tăng hơn 1.600 NDT (250 USD)/tấn.

Theo trang Metal Miner, tuần này, giá phôi thép ở Trung Quốc đã giảm từ 6.340 Nhân dân tệ (992 USD)/tấn xuống còn 5.350 Nhân dân tệ (837 USD)/tấn. Giá thép tấm giảm từ 6.810 Nhân dân tệ (1.066 USD)/tấn xuống còn 5.850 Nhân dân tệ (915 USD)/tấn.

Giá thép chữ H giảm từ 6.070 Nhân dân tệ (950 USD)/tấn còn 5.360 Nhân dân tệ (839 USD)/tấn. Giá thép thanh giảm từ 5.570 Nhân dân tệ (872 USD)/tấn còn 4.950 Nhân dân tệ (775 USD)/tấn.

Tờ Global Times của Trung Quốc cho biết chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5, giá các sản phẩm thép ở nước này đã tăng hơn 1.600 NDT (250 USD)/tấn. Sự hạ nhiệt giá thép diễn ra sau khi giới chức Trung Quốc liên tục cảnh báo về ảnh hưởng của việc giá thép nói riêng, và giá vật tư nói chung, tăng cao đối với tăng trưởng kinh tế.

Gần đây nhất, vào cuối tuần vừa rồi, Chính phủ Trung Quốc đã triệu tập đại diện các doanh nghiệp quặng sắt, thép, nhôm và đồng tới dự một cuộc họp với các cơ quan hữu quan. Tại cuộc họp này, nhà chức trách cảnh báo xử lý nghiêm mọi hành vi đầu cơ đẩy giá vật tư. Tiếp đó, vào hôm thứ Hai, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói cần tránh tình trạng giá nguyên vật liệu leo thang gây tăng giá tiêu dùng.

Sau những cảnh báo này, giá thép ở Trung Quốc sụt mạnh về mức trước thời điểm 1/5.

Tại Đường Sơn - thành phố sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 14% sản lượng thép thô của Trung Quốc trong năm 2020, và tại Thượng Hải – thị trường giao dịch thép sôi động hàng đầu ở Trung Quốc, các công ty thép đang đối mặt thua lỗ, Global Times cho hay.

Theo tờ báo này, đối với nhiều doanh nghiệp ở Đường Sơn sản xuất và bán thép mạ kẽm, mức lãi dao động từ 20-30 Nhân dân tệ/tấn trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, ông Jia Dongyue, Giám đốc công ty thép Rongde Steel cho biết, khi giá thép vọt lên gần 6.000 Nhân dân tệ/tấn, ông đạt lợi nhuận tới 1.000 Nhân dân tệ/tấn.

Ở mức đỉnh của thị trường vào giữa tháng 5, giá thép ở Trung Quốc đạt kỷ lục hơn 6.000 Nhân dân tệ/tấn. Nhiều nhà buôn thép gọi sự tăng giá này là “điên rồ”, “hiếm gặp” và thừa nhận đầu cơ là nguyên nhân quan trọng khiến giá thép leo thang.

 

“Hôm 10/5, tôi mua 1.500 tấn thép ở mức giá cao nhất và nếu bán hết với mức giá hiện nay, tôi lỗ 1,68 triệu Nhân dân tệ chỉ trong vòng 2 tuần. Số tiền đó đủ để tôi mua 2 căn nhà ở thị trấn” - ông Zheng Weiwei, một nhà buôn thép ở Thượng Hải.

Khi giá thép giảm mạnh, lợi nhuận của các công ty thép ở Đường Sơn cũng lao dốc theo. Một số thậm chí cho biết lợi nhuận của họ từ đầu năm đến nay đã bị quét sạch chỉ trong vòng hai tuần.

“Tôi đang lỗ 1.300 Nhân dân tệ/tấn thép và nếu giá thép không sớm tăng trở lại, tôi sẽ lỗ hơn 1,4 triệu Nhân dân tệ nếu bán hết số thép đang có”, ông Yang Jin, Giám đốc Xinjiangfeng Steel Company, nói với Global Times.

Tại một chợ thép ở Thượng Hải, các nhà buôn thép đang vội vã bán ra số thép tích trữ từ trước để cắt lỗ, nhưng không tìm được khách mua. Ông Zheng Weiwei cho biết đã bán hơn 100 tấn thép vào hôm thứ Hai, chịu lỗ 120.000 Nhân dân tệ. Trước đó, ông lãi 500 Nhân dân tệ/tấn thép và bỏ túi hàng triệu Nhân dân tệ lợi nhuận. Bán thép ở mức giá hiện nay, ông lỗ khoảng 1.400 Nhân dân tệ/tấn.

“Hôm 10/5, tôi mua 1.500 tấn thép ở mức giá cao nhất và nếu bán hết với mức giá hiện nay, tôi lỗ 1,68 triệu Nhân dân tệ chỉ trong vòng 2 tuần. Số tiền đó đủ để tôi mua 2 căn nhà ở thị trấn”, ông Zheng nói. Cũng theo nhà buôn thép này, lượng thép tồn của ông còn khá nhỏ nếu so với những “cá mập” đang có trong tay 40.000-50.000 tấn thép.

Giá thép đã tăng mạnh trên toàn cầu thời gian gần đây do nhu cầu tái thiết kinh tế Mỹ và Trung Quốc sau đại dịch Covid. Giá thép tăng khuyến khích các nhà máy thép tăng công suất. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), sản lượng thép toàn cầu tăng 23% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 169,5 triệu tấn.

Nếu so với tháng 3, sản lượng thép toàn cầu trong tháng 4 tăng 3,5%. Trong đó - sản lượng thép thô của Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới - tăng 7,5%, bất chấp chiến lược của Chính phủ nước về hạn chế sản lượng thép để giảm phát thải carbon. Sản lượng thép của Ấn Độ và châu Âu giảm tương ứng 14,4% và 2% so với tháng trước.

Theo dự báo của WSA, nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu tăng 5,8% trong năm nay.

Còn theo số liệu chính thức từ Mỹ, nước này nhập khẩu 2,4 triệu tấn thép trong tháng 4, từ mức 2,1 triệu tấn trong tháng 3.