21:06 02/04/2019

Giá xăng tăng mạnh: Bộ chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp

Nguyên Hà

Lãnh đạo Bộ Công Thương lý giải giá xăng tăng ở mức gần 1.500 đồng/lít từ cuối giờ chiều 2/4

Thứ trưởng Đỗ Thẳng Hải cho rằng, nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thông qua Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng phải tăng gần 3.000 đồng mỗi lít.
Thứ trưởng Đỗ Thẳng Hải cho rằng, nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thông qua Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng phải tăng gần 3.000 đồng mỗi lít.

"Về việc giá xăng tăng khá mạnh vào chiều 2/4, trước tiên, chúng tôi chia sẻ với khó khăn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như người dân tiêu dùng. Nhưng nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thông qua Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng phải tăng gần 3.000 đồng mỗi lít".

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trước chất vấn của báo chí về việc cơ quan quản lý cho tăng khá mạnh giá xăng vào cuối chiều 2/4.

Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo Chính phủ ngay sau khi giá xăng tăng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói, theo quyết định của liên Bộ Công Thương-Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu từ 17h ngày 2/4 sẽ tăng gần 1.500 đồng/lít. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 - 1.219 đồng mỗi lít, kg tuỳ loại.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Quỹ bình ổn giá xăng dầu sau nhiều đợt được xả mạnh, ở kỳ điều hành lần này nhà điều hành đã giảm khá nhiều. Mức xả quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 giảm về 2.042 đồng một lít, xăng RON 95 là 1.304 đồng. Mức chi quỹ với dầu diesel và dầu hoả là 0 đồng.

"Trước tiên, chúng tôi chia sẻ với khó khăn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như người dân tiêu dùng, nhưng chúng ta nên biết hiện quản lý điều hành giá xăng dầu thành phẩm theo thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Hiện có 28 đầu mối xuất nhập khẩu trực tiếp xăng dầu, Petrolimex chỉ là 1 trong 28 đầu mối", ông Hải nói.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc điều hành theo chu kỳ 15 ngày/lần theo quy định của Nghị định 83, có công thức áp dụng. Do đó, sau 15 ngày mọi người có thể tính toán biết được chiều hướng tăng hoặc giảm. Nhưng thực tế điều chỉnh có sử dụng hỗ trợ cả từ quỹ bình ổn tác động điểm nào đó, Nhà nước không bỏ ngân sách nào can thiệp trong điều hành.

Bên cạnh đó, vừa qua Chính phủ quyết định ngày 20/3 tăng giá điện. Ngày 18/3 vừa rồi, giá xăng dầu thế giới đã tăng, nhưng Chính phủ đã quyết định không tăng giá xăng, do đó phải dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bù. Ví dụ E5 bù 2.800 đồng/lít, xăng RON 95 bù 2.000 đồng/lít để giữ giá. Nhưng sau 15 ngày giá xăng vẫn tiếp tục tăng, vì vậy hôm nay phải tăng, đây là điều không ai muốn.

Việc tăng theo đúng thị trường thế giới, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 - 1.219 đồng mỗi lít, kg tuỳ loại.

"Nếu không bù mức tăng có thể cao hơn, cụ thể, để "chỉ tăng" 1.377 đồng/lít thì quỹ bình ổn phải chi bù 2.242 đồng/lít, nếu không sẽ tăng 3.019 đồng/lít. Tương tự xăng RON 95, quỹ bình ổn phải bù 1.304 đồng/lít, để chỉ tăng 1.484 đồng/lít, nếu không sẽ phải tăng 2.788 đồng/lít. Đây chính là các biện pháp điều tiết của nhà nước", Thứ trưởng Hải cho hay.