21:07 26/07/2022

Giảm tốc kinh tế Trung Quốc bắt đầu “lây” sang các nước đối tác thương mại?

Bình Minh

Nhu cầu nhập khẩu suy yếu của Trung Quốc do kinh tế giảm tốc đang đặt ra thách thức lớn cho nhiều nền kinh tế khác...

Một cảng biển của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Một cảng biển của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.

Xu hướng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang lan sang các quốc gia xuất khẩu lớn ở châu Âu và Đông Á, thông qua sự sụt giảm nhu cầu đối với các hàng hoá chế tạo, khiến cho Đức và Hàn Quốc có thâm hụt thương mại hiếm hoi với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới – theo hãng tin Bloomberg.

Giá hàng hoá cơ bản toàn cầu tăng đồng nghĩa rằng mức tăng trưởng nhập khẩu chính thức 1% của Trung Quốc trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái đã che dấu một kết quả tệ hơn của kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chế tạo. Nhập khẩu sản phẩm công nghệ cơ khí, hàng cơ khí và điện đã giảm khoảng 8% trong tháng 6 – theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc mới đây. Tình hình tháng 7 này dường như không có sự cải thiện, vì xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 2,5% trong 20 ngày đầu tiên của tháng 7.

Sự sụt giảm này chủ yếu do ảnh hưởng còn rơi rớt lại của các đợt phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc. Chính sách chống dịch hà khắc mang tên Zero Covid đã ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này – theo chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen của Natixis SA. “Các quốc gia có sự phụ thuộc trực tiếp vào nhu cầu ở Trung Quốc, đặc biệt là nhu cầu hàng hoá chế tạo, cũng chính là những nước dễ tổn thương nhất”, bà Nguyen nói.

Vai trò của Trung Quốc là động lực của nhu cầu hàng hoá cơ ban toả cầu đang có xu hướng phủ bóng lên sự thật rằng phần lớn nhập khẩu của nước này là hàng hoá chế tạo, cả cho nhu cầu nội địa và cho việc lắp ráp vào những thành phẩm để xuất khẩu. Đức và Hàn Quốc, hai nước có thặng dư thương mại với Trung Quốc trong phần lớn thời gian của thập kỷ qua, đều bất ngờ có thâm hụt thương mại với nước này trong tháng trước – theo dữ liệu của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc “diễn ra vào một thời điểm xấu đối với các nền kinh tế nói trên, vì nhập khẩu của các nước này đang tăng lên, trong khi nhu cầu của xuất khẩu sang thị trường chủ chốt là Trung Quốc đã giảm mạnh”, bà Nguyen nói thêm.

Tệ hơn, một phần sự giảm tốc nhập khẩu của Trung Quốc mang tính cấu trúc. Xuất khẩu ô tô điện của Trung Quốc đã tăng mạnh trong năm nay, và chuỗi cung ứng ô tô điện của nước này có sự tập trung cao hơn, theo đó làm giảm nhu cầu đối với linh kiện ô tô từ những nước nhà Hàn Quốc – theo giáo sư John Gong thuộc Đại học Kinh doanh và kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh.

“Tôi cho rằng những nền kinh tế hưởng lợi trong đại dịch Covid-19 như Hàn Quốc và Đài Loan sẽ có một khoảng thời gian khó khăn khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, cộng thêm chu kỳ hàng hoá trên toàn cầu cũng đi xuống”, nhà nghiên cứu Rory Green của TS Lombard phát biểu.

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm trong tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng Craig Botham của Pantheon Macroeconomics cho rằng sự tăng trưởng đó có thể không duy trì được lâu.

“Xuất khẩu thông thường, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cuối cùng, hiện không có hy vọng khả quan nào, xét tới tình hình ảm đạm của kinh tế Trung Quốc hiện nay. Và các hàng hoá trung gian cũng chỉ có được nhu cầu tốt khi xuất khẩu toàn cầu diễn ra mạnh mẽ. Tôi chỉ có thể nói rằng nhu cầu xuất khẩu toàn cầu đang suy yếu”, ông Botham nhấn mạnh.

Giới chuyên gia kinh tế đang hạ bớt kỳ vọng về kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 ở nước này vẫn đang ở mức cao, một dấu hiệu cho thấy phong toả có thể quay trở lại. Sự sụt giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc cũng chưa có dấu hiệu dừng, khiến bức tranh kinh tế thêm phần u ám. Trong cuộc khảo sát mới nhất do Bloomberg thực hiện, dự báo bình quân cho tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc năm nay chỉ đạt 3,9%.

Các chuyên gia được khảo sát cũng dự báo xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng 7,8% trong quý 3 này, trong khi nhập khẩu tăng 5,4%.

Với nhu cầu của châu Âu và Mỹ vẫn trụ vững và hoạt động của cảng biển ở Thượng Hải tăng lên khi trung tâm tài chính này dừng phong toả, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại hàng tháng cao kỷ lục 98 tỷ USD trong tháng 6. Do triển vọng nhu cầu của Trung Quốc yếu đi, “nhiều khả năng thặng dư thuơng mại của Trung Quốc trong năm nay sẽ cao chưa từng thấy”, ông Botham nói thêm.

Trong một kịch bản lạc quan hơn, trong đó Trung Quốc có thể tránh được những đợt phong toả nghiêm ngặt trong nửa sau của năm nay, nhập khẩu có thể hồi phục để đạt mức tăng trưởng cả năm 7-8% - theo chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á Le Xia của Bilbao Vizcaya Argentaria SA ở Hồng Kông.

Tuy nhiên, đó sẽ là một sự giảm tốc mạnh so với mức tăng trưởng 30% đạt được trong năm ngoái. “Nhập khẩu suy yếu sẽ là kênh chủ yếu để sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc lan ra phần còn lại của thế giới”, ông Xia nói thêm.