14:18 03/05/2007

Đông Á chia sẻ kinh nghiệm về luật và chính sách cạnh tranh

Q. Ngọc

Việt Nam càng đi sâu vào nền kinh tế thị trường và tự do thương mại thì luật về cạnh tranh càng giữ vai trò quan trọng

Đại diện các cơ quan quản lý cạnh tranh của các nước Đông Á tại Hội nghị thường niên Luật và chính sách cạnh tranh tổ chức tại Hà Nội - Ảnh: QN.
Đại diện các cơ quan quản lý cạnh tranh của các nước Đông Á tại Hội nghị thường niên Luật và chính sách cạnh tranh tổ chức tại Hà Nội - Ảnh: QN.

Việt Nam càng đi sâu vào nền kinh tế thị trường và tự do thương mại thì luật vcạnh tranh càng giữ vai trò quan trọng.

Đó là một nội dung trong phát biểu của ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam, tại Hội nghị thường niên về Luật và chính sách cạnh tranh của các nước khu vực Đông Á lần thứ 4, diễn ra tại Hà Nội sáng 3/5.

Tại khu vực Đông Á, do hoàn cảnh lịch sử, nên sự ra đời của các cơ quan quản lý cạnh tranh khác nhau, hoạt động không đồng đều. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc…, cơ quan quản lý cạnh tranh đã có kinh nghiệm hoạt động hàng chục năm nay. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ vỏn vẹn 2 năm thực thi Luật Cạnh tranh.

“Tuy nhiên, chúng ta có rất nhiều sự tương đồng trong hoạt động, cũng như trong thách thức mà các cơ quan cạnh tranh đang gặp phải. Vì vậy, việc đối thoại và liên kết các cơ quan cạnh tranh của các nước Đông Á đóng một vai trò rất quan trọng”, ông Ruệ nói.

Tham gia hội nghị, ngoài sự hiện diện của đại diện cơ quan cạnh tranh các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam..., còn có sự tham gia của đại diện các bộ ngành, cơ quan quản lý ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng và đại diện của một số tổ chức trong nước và quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao, hiệp hội và phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam...

Theo thống kê của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tính đến năm 2005, trên thế giới đã có hơn 100 nước và vùng lãnh thổ ban hành luật và chính sách cạnh tranh.