15:00 09/05/2019

Hàn Quốc dừng tuyển chọn lao động 40 quận, huyện của Việt Nam

Dũng Hiếu

Đây là những địa bàn có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên

40 quận, huyện bị dừng tuyển chọn lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc thuộc 10 tỉnh gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên.
40 quận, huyện bị dừng tuyển chọn lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc thuộc 10 tỉnh gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa ra thông báo tới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS). Theo đó, Hàn Quốc quyết định tạm dừng tuyển lao động trong năm 2019 đối với 40 quận, huyện tại 10 địa phương của Việt Nam.

Thông báo này được đưa ra sau khi bộ này đã thống nhất với phía Hàn Quốc về việc tạm dừng một số địa phương có tỷ lệ lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao.

Trong năm 2019, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã lên danh sách 100 quận/huyện thuộc diện xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động. Đây là những địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước từ 30% trở lên.

Từ danh sách này, phía Hàn Quốc đã thống nhất sẽ dừng tuyển chọn lao động với 40 quận, huyện của 10 tỉnh là: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên.

Các quận, huyện, thị xã có tên trong danh sách nêu trên gồm: Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Nam Đàn, thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương (Nghệ An); Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa); Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Cẩm Giàng, Chí Linh, Gia Lộc, thành phố Hải Dương, Tứ Kỳ; Xuân Trường, thành phố Nam Định, Nam Trực, Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định); Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương, Đông Hưng (Thái Bình); Bố Trạch, Ba Đồn (Quảng Bình); Lương Tài, Gia Bình (Thái Bình); Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng (Bắc Giang); Ân Thi, Kim Động, Khoái Châu (Hưng Yên).

Theo ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đây là những địa bàn có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. 

"Căn cứ vào thông báo của phía Hàn Quốc về tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cuối năm 2019, năm 2020 sẽ tiếp tục dừng tuyển lao động tại các địa phương không giảm được tỷ lệ và số lao động cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, việc tạm dừng sẽ được dỡ bỏ đối với các địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng này", ông Nam nói.

Việt Nam bắt đầu đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) từ năm 2004 theo Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc. Kể từ khi thực hiện chương trình này tới nay, 90.000 lao động Việt Nam đã đi làm việc tại Hàn Quốc.

Người lao động làm việc theo chương trình này có việc làm và thu nhập ổn định. Mức thu nhập trung bình 800 - 1.500 USD/người/tháng. Nhìn chung, người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo.

Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao đã ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo lý giải từ phía Cục quản lý lao động ngoài nước, thì đây là biện pháp bắt buộc trước yêu cầu chính đáng của phía Hàn Quốc. Cục này cũng cho biết, trước đó vào năm 2016, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã cùng với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký bản ghi nhớ bình thường hóa việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. 

Tuy nhiên, trong biên bản phía Hàn Quốc đã đưa ra một điều kiện nếu tỷ lệ người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vượt quá 4% so với mức hai bên cam kết thì sẽ dừng chuyện đưa lao động Việt Nam sang tiếp. Có thể nói việc ký kết văn bản trên giữa hai Bộ đã làm tổn hao không ít công sức đàm phán nhưng hiện đang có nguy cơ mất trắng nếu như chúng ta không đảm bảo tỷ lệ lao động bỏ trốn như thỏa thuận.

Theo thông báo từ phía Hàn Quốc, hiện họ đang tiếp nhận lao động từ 16 quốc gia phải cử lao động tới làm việc. Các nước này đều có lao động bỏ trốn nhưng tỷ lệ bỏ trốn trung bình của họ chỉ nằm trong khoảng 8% - 9%. Nước nhiều nhất cũng chỉ chiếm 15% - 16%.

Riêng Việt Nam tỷ lệ bỏ trốn lên tới 32% thậm chí 40% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nhiều địa phương có số lao động bỏ trốn chiếm đến 85% lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc có thể kể tên như Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Bình...