14:53 07/11/2019

Hỗ trợ dân nhưng cũng phải "đề phòng trục lợi chính sách"

KIỀU LINH

Nghị định 67 là khuyến khích, hỗ trợ ngư dân, nhất là hậu cần để tham gia chuyến biển khơi, vừa làm kinh tế, vừa góp phần tham gia an ninh chủ quyền nhưng nếu không cẩn thận sẽ bị trục lợi

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP Chính phủ ban hành năm 2014 nhằm hỗ trợ đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn ra ngư trường xa để đảm bảo phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Nghị định 67 bao gồm nhiều nhóm nội dung lớn, như: Hỗ trợ, khuyến khích bảo hiểm để cho thuyền viên ra khơi; hỗ trợ trang thiết bị tàu, ngư cụ, các  phương tiện đánh bắt để ngư dân yên tâm bám biển; hỗ trợ công tác hậu cần để đảm bảo về nguyên liệu cho các chuyến ra khơi; hỗ trợ để phát triển phương tiện mới là tàu đánh cá (tàu 67);....

Đề phòng trục lợi chính sách

Không thể phủ nhận hiệu quả Nghị định 67 mang lại như tạo động lực phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ, công suất lớn. Chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ cũng đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, đến nay đã lộ nhiều bất cập, nhiều tàu hỏng, nằm bờ không ra khơi, không thực hiện đăng kiểm trở lại khi hết thời hạn theo quy định. Nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng.

Riêng tại Quảng Nam, nợ xấu trong lĩnh vực này chiếm đến 52,17% tổng dư nợ xấu trên địa bàn. Còn tại Bình Định, có trường ngư dân cùng đường đã vay tín dụng đen phải bỏ trốn, gia đình tan nát. Thậm chí xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách này để trục lợi.

Nhiều đại biểu trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đau đầu tái hiện lại và mong muốn tìm được lối thoát cho ngư dân. 

Đại biểu Phan Thái Bình đến từ Quảng Nam còn cho biết xảy ra tình trạng một tàu ra khơi nhưng mang theo khoảng vài chục định vị chở ra đến vùng biển được hỗ trợ dầu, sau đó mang về để thanh quyết toán cái này. Rất nhiều tỉnh đã khởi tố vụ án về tội lừa đảo.

Theo đại biểu Bình, cũng không tránh khỏi tình trạng có nguy cơ có sự liên đới chịu trách nhiệm và thông đồng giữa các Chi cục hải sản, thủy sản ở các địa phương với những đối tượng này. Nguy cơ này có thể xảy ra, bởi vì để thanh quyết toán cái này không thể bấy nhiêu ngư dân làm được mà rất nhiều vấn đề liên quan, kể cả vấn đề về ra khơi, vấn đề đánh bắt và thực tế đã khởi tố việc này. 

"Tôi đề nghị Bộ trưởng xem giải pháp bây giờ chấn chỉnh tình trạng trạng này thế nào?", đại biểu Bình xót ruột.

Ghi nhận phát hiện này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Chúng ta phải đề phòng trục lợi chính sách của Nghị định 67. Bởi vì trong chính sách là khuyến khích, hỗ trợ ngư dân, nhất là hậu cần để tham gia chuyến biển khơi, vừa làm kinh tế, vừa góp phần tham gia an ninh chủ quyền, mỗi chuyến là được 40.000.000-60.000.000 tùy từng dạng tàu. Nhưng nếu không cẩn thận sẽ bị trục lợi. 

"Chúng ta không loại trừ vì đến dịch tả lợn còn có trục lợi chính sách. Tôi rất đồng tình, hoan nghênh ý này, tới đây trong tổng kết Nghị định 67 những nội dung này phải được mổ xẻ để có giải pháp ngăn ngừa và khắc phục", tư lệnh ngành nông nghiệp nói và thêm rằng sẽ rà soát lại các khâu, đề nghị các tỉnh nếu phát hiện ra chi cục thủy sản nào có việc như trên xử lý kiên quyết. 

Loại bỏ chính sách không còn phù hợp

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến giờ phút này đã phát triển được 1.030 phương tiện, công suất lớn từ 800 mã lực trở lên bằng ba vật liệu sắt, composite và gỗ. Riêng tàu sắt là một dạng hình đóng mới với tổng số 358 chiếc, chiếm 34,2% tổng số tàu trên. 

Nhược điểm của tàu này là phương tiện mới, nên trong quá trình đóng để xảy ra 40 tàu hỏng, trong đó có 21 tàu của Bình Định, còn 19 tàu hỏng nhỏ sửa chữa được ngay. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 55 tàu đóng theo Nghị định 67 nằm bờ không ra khơi được. 

Ông Cường chỉ ra rất nhiều nguyên nhân như: đánh bắt không hiệu quả, bởi vì ngư trường hiện nay quá tải. Chủ tàu chết. , một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động rất muốn chuyển đổi…

Trước tình hình này, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết sách, trong đó, xác định rõ: Trước hết về vấn đề tiềm năng ngư trường, nên chúng ta không khuyến khích phát triển đội tàu nữa; phương thức đầu tư hỗ trợ tín dụng theo 11 năm là không phù hợp. Do đó, cần thay phương thức này vì không có tác dụng nhiều mà còn tạo ra một số tâm lý cá biệt ỷ lại, ngân hàng cũng rất vất vả. 

Chính phủ đã ban hành ngay Nghị định 17/2018/NĐ-CP, trong đó thay đổi hình thức hỗ trợ theo hướng, ai có đủ điều kiện ra khơi, có năng lực và tiềm lực thì tự đóng tàu và Nhà nước hỗ trợ một lần. Nhà nước hỗ trợ tối đa 35%, với mức hỗ trợ từ 6 - 8 tỷ đồng, tùy vào từng loại công suất.

Bộ trưởng cho biết thêm: "Từ năm 2018, chúng ta chuyển sang dạng hỗ trợ này, đến nay có 40 chiếc tàu được đóng theo dạng này. Bởi vì chỉ có người dân tự nguyện bỏ tiền ra, người dân có đủ điều kiện mới khai thác hiệu quả. Qua phản hồi của người dân sở hữu 40 chiếc tàu này (hơn 30 đã đóng xong) đều không có điều tiếng gì".

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo 28 tỉnh, thành tổng kết sâu sắc việc thực hiện Nghị định 67 và trong tháng 12 tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết, nhằm hoàn thiện những cơ chế chính sách để tiếp tục hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển.

"Dù sao chúng ta vẫn phải xây dựng, hoàn thiện những cơ chế, chính sách để khuyến khích ngư dân, còn phương thức gì không phù hợp, chính sách gì không phù hợp kiên quyết loại ra", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.