11:17 17/07/2019

Ì ạch việc cấp sổ đỏ tại các dự án sai phạm ở Hà Nội

Thùy Linh

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đối với các dự án chung cư có sai phạm về xây dựng đang rất chậm trễ

Chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội)- một trong nhiều chung cư trên địa bàn Thủ đô đang dính sai phạm về xây dựng - Ảnh: Zing.
Chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội)- một trong nhiều chung cư trên địa bàn Thủ đô đang dính sai phạm về xây dựng - Ảnh: Zing.

Theo phản ánh của cư dân tại nhiều tòa nhà chung cư, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đối với các dự án chung cư có sai phạm về xây dựng đang rất chậm trễ, dù Chính phủ đã có nhiều văn bản hướng dẫn về việc này nhằm đảm bảm quyền lợi cho người dân.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, qua rà soát, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã ghi nhận trong số 2.518 dự án khu đô thị mới, phát triển nhà ở trên địa bàn thủ đô có 232 dự án vi pham trật tự xây dựng. Trong đó, có 99 dự án xây dựng không phép, 85 dự án xây dựng sai phép, 31 dự án xây dựng sai quy hoạch, sai thiết kế được duyệt…

Năm 2013, tại cuộc họp kiểm điểm việc thực hiện cấp giấy chứng nhận theo Nghị Quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 327/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (thời điểm đó) chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các địa phương xem xét, cấp sổ đỏ cho người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ với chủ đầu tư theo quy định của pháp luật trong các trường hợp như: Trường hợp chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai (hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất và đã nộp tiền sử dụng đất) nhưng xây dựng nhà ở vượt diện tích mặt bằng so với thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng được cấp thì kiểm tra xử lý đối với phần diện tích sai phạm; trường hợp diện tích xây dựng vi phạm được phép tồn tại thì chủ đầu tư phải nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính tại thời điểm giao đất.

Trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai và chưa nộp tiền sử dụng đất, đã xây dựng nhà và bàn giao nhà ở cho người mua nhà theo hợp đồng mua bán nhà ở thì UBND cấp tỉnh, thành phố xem xét quyết định công nhận việc sử dụng đất để thực hiện dự án của chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm nộp số tiền sử dụng đất theo chính sách giá đất tại thời điểm hoàn thành công trình...

Văn bản này đây được xem hướng mở về cơ chế, chính sách giúp các địa phương cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Tại Hà Nội, từ ngày 10/4/2017, thành phố cho áp dụng những quy định mới về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo đó, đối với chủ đầu tư có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, tài chính, kinh doanh bất động sản..., trong khi người mua nhà, công trình xây dựng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, việc cấp giấy chứng nhận vẫn được tiến hành song song với việc thanh tra, xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư; không làm thay đổi việc xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên quá trình triển khai trên thực tế vẫn rất chậm.

Đơn cử, tại chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội)- một trong nhiều chung cư trên địa bàn Thủ đô đang dính sai phạm về xây dựng, người dân phản ánh mua nhà từ năm 2015 nhưng 4 năm nay, họ vẫn chưa được cấp sổ hồng. Điều đáng nói, có nhiều căn hộ không nằm trong diện tích sai phạm cũng không được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xem xét cấp sổ. Điều này là không công bằng bởi sai phạm của chủ đầu tư cần được tách bạch với quyền lợi của người dân.

Tại khu nhà D7 khu đô thị mới Đại Kim - Định Công (Hoàng Mai), 27 hộ dân mua nhà nhưng gần 20 năm vẫn chưa được cầm trên tay quấn sổ đỏ.

Ông Phạm Văn Phúc (hộ dân khu D7) cho biết, 20 năm chúng tôi sinh sống tại đây nhưng không được công nhận quyền sở hữu khiến tất cả đời sống sinh hoạt, học hành của các cháu đều bị hạn chế. Nhiều gia đình vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn muốn bán lại cũng không được.

Quá trình đi tìm hiểu mới biết, người dân mua đất của đơn vị thứ cấp không có chức năng kinh doanh bất động sản nên đơn vị này không có khả năng xuất hóa đơn. Thêm vào đó, phần diện tích xây dựng cũng sai so với quy hoạch nên việc cấp sổ đỏ là rất khó.

"Chúng tôi đã tiếp nhiều đoàn thanh tra của thành phố xuống tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía chính quyền là vì sao chưa thể cấp sổ cho các hộ dân khu D7", ông Phúc nói.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, hiện Sở đã có kiến nghị lên UBND thành phố Hà Nội về hướng giải quyết cấp sổ hồng cho các hộ dân đang sinh sống tại những tòa nhà chung cư mà chủ đầu tư có sai phạm về xây dựng. Tuy nhiên, phải chờ UBND thành phố xem xét và có quyết định, Sở sẽ tiến hành cấp sổ hồng cho người dân.