08:46 27/01/2021

IMF nâng triển vọng kinh tế toàn cầu

An Huy

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trở nên lạc quan hơn về nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh chiến dịch tiêm phòng Covid-19 đang diễn ra

Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, bà Gina Gopinath - Ảnh: Getty/CNBC.
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, bà Gina Gopinath - Ảnh: Getty/CNBC.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trở nên lạc quan hơn về nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh chiến dịch tiêm phòng Covid-19 đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, IMF lo ngại những biến chủng mới của Covid-19 có thể đặt ra rủi ro đối với phục hồi kinh tế.

Hãng tin CNBC dẫn báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) mới nhất công bố ngày 26/1 cho thấy IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với con số dự báo đưa ra hồi tháng 10. Về năm 2022, IMF cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng 4,2%.

Cũng theo ước tính của IMF, kinh tế thế giới giảm 3,5% trong năm 2020.

"Tình hình giờ đây phụ thuộc nhiều vào kết quả của cuộc chạy đua giữa biến chủng mới của virus và vaccine, cũng như khả năng của chính sách trong việc cung cấp sự hỗ trợ hiệu quả cho tới khi đại dịch kết thúc", chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, bà Gita Gopinath, viết trong một bài blog.

"Bấp bênh vẫn còn lớn và triển vọng của các quốc gia là rất khác nhau", bà Gopinath viết.

Mấy tháng qua, số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 tăng mạnh trên toàn cầu, khi biến chủng mới của virus corona có tốc độ lây lan nhanh chóng hơn. Vì vậy, nhiều quốc gia phải siết chặt các biện pháp hạn chế xã hội để chống dịch, dẫn tới ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế.

Dù lạc quan hơn về triển vọng toàn cầu, IMF vẫn ít nhiều bi quan về Eurozone, khu vực gồm 19 nền kinh tế thành viên. Dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 của Eurozone bị IMF cắt giảm 1 điểm phần trăm so với lần dự báo trước, còn 4,2%. Dự báo tăng trưởng năm nay của cả 4 nền kinh tế lớn nhất khu vực, gồm Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, đều bị cắt giảm.

Theo báo cáo, hoạt động kinh tế ở Eurozone đã giảm tốc trong quý 4/2020 và xu hướng này có thể tiếp diễn trong quý 1/2021. IMF không cho rằng nền kinh tế Eurozone sẽ quay trở lại mức sản lượng như ở thời điểm cuối năm 2019 trước cuối năm 2022.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ được IMF dự báo tăng tốc trong năm 2021. Báo cáo nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ thêm 2 điểm phần trăm, nhờ đà phục hồi được đẩy nhanh trong nửa cuối năm 2020 và các biện pháp kích cầu mới. Theo IMF, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay.

Tháng 12 vừa qua, Quốc hội Mỹ phê chuẩn một gói kích cầu trị giá 900 tỷ USD. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đề xuất thêm một gói kích cầu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.

IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 8% trong năm nay, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10.

"Kinh tế Trung Quốc đã quay trở lại mức trước đại dịch trong quý 4/2020, đi trước tất cả các nền kinh tế lớn khác. My được dự báo sẽ vượt qua mức trước đại dịch trong năm nay, đi trước khu vực Eurozone", bà Gopinath nhận định.

IMF dự báo 5 nền kinh tế hàng đầu trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam - tăng 5,2% trong 2021, giảm 1 điểm phần trăm so với lần dự báo trước.

IMF tiếp tục nhấn mạnh các chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của nước mình thông qua các biện pháp kích cầu bằng tài khóa nhằm đẩy mạnh sự phục hồi.

"Hành động chính sách cần đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho tới khi phục hồi diễn ra vững chắc", bà Gopinath nói.