13:12 18/11/2017

Khó ngăn nghi can tham nhũng xuất ngoại vì điều 79

Nguyên Vũ

Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, hiện chỉ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn với các bị can, bị cáo

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Quốc hội.

Trước việc nhiều vụ án tham nhũng bị xử lý kéo dài, trả đi trả lại hồ sơ, thậm chí nhiều bị can đã chạy trốn ra nước ngoài ngay trong quá trình xem xét vụ án như Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng hay thậm chí Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng trước đây... đại biểu Lê Thị Nga đã chất vấn Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình về nguyên nhân và cách giải quyết.

Bà Lê Thị Nga cũng là thành viên hiếm hoi của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tham gia chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này.

Căn cứ điều 79

Trả lời chất vấn này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình vắn tắt: việc điều tra vụ án kéo dài, trả lại, bổ sung hồ sơ nhiều lần, thi hành án không thu hồi được tài sản vi phạm... thuộc trách nhiệm cơ quan điều tra và cơ quan truy tố.

Về việc bị can chạy trốn, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ có giải trình thêm với đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Tiếp nhận "quả bóng" từ Chánh án, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận việc điều tra, xử lý án tham nhũng, đặc biệt những vụ án lớn còn một số hạn chế, một số vụ án điều tra còn chậm.

Nguyên nhân theo ông có nhiều, trong đó có những nguyên nhân khách quan như tội phạm này có chủ thể đặc biệt, có chuyên môn, quan hệ rộng, có thủ đoạn tinh vi.

Đây thường là các vụ án đông người thực hiện, có tổ chức, lại là án truy xét, thời gian lâu mới bị phát hiện, nên lúc phát hiện ra các dấu vết, chứng cứ... rất khó xác định. Việc giám định tư pháp, xác định thiệt hại... cũng hết sức khó khăn.

Lý giải việc các bị can bỏ trốn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, căn cứ vào điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự, chỉ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn với các bị can, bị cáo. Còn các đối tượng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra đưa ra quyết định khởi tố, nên không được áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của luật.

"Cơ quan công an chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn vào giai đoạn đó là thực hiện theo đúng quy định của luật. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi đã tập trung truy bắt bằng được để đưa về điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, nếu thấy có dấu hiệu tiếp tay cho đối tượng bỏ trốn cũng xử lý nghiêm", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Và đáng chú ý, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sắp tới đi vào có hiệu lực đã có điều 124 về tạm hoãn xuất cảnh, cơ bản khắc phục được những bất cập nêu trên.

Bấm nút tranh luận về điều này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng ông biết có những trường hợp chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước bị cấm xuất cảnh hai năm, sau đó được xác định không có tội gì cả.

Hoặc, một doanh nhân người nước ngoài cũng bị cấm xuất cảnh mà không có giấy tờ thông báo gì, ra đến sân bay thì được cho biết bị cấm xuất cảnh, sinh nhật 60 tuổi hay ngày bầu cử cũng không được cho về nước, nhưng sau đó cũng xác định không có tội.

Ông Nghĩa hỏi, vậy trong những trường hợp đó, nếu người ta đứng ra kiện, vì việc cấm xuất cảnh lỡ của họ những cơ hội nhiều triệu USD, thì ai sẽ đứng ra đền bù. Làm cách nào để cân bằng được quyền lợi hợp pháp của công dân và áp dụng được biện pháp ngăn chặn với tội phạm?

Nội dung này sẽ được Bộ trưởng Tô Lâm trả lời bằng văn bản.

Thu hồi tài sản

Ngoài nội dung trên, hồi âm ý kiến đại biểu về việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết những vụ việc này có thời gian xử lý kéo dài, suốt từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán rồi mới chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nên các đối tượng đã biết được việc mình bị xử lý, tìm mọi cách tẩu tán tài sản, dẫn đến công tác xác minh thu hồi tài sản có nhiều khó khăn.

Một số tài sản đã được chuyển trái phép ra nước ngoài, chuyển tiền mua bất động sản... nên xử lý cần phải có sự phối hợp với các cơ quan tư pháp quốc tế.

Tuy nhiên, do những sự chênh lệch về pháp lý của các nước, nên việc phối hợp xử lý không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Để thúc đẩy tiến độ điều tra vụ án gắn với việc thu hồi tài sản cho Nhà nước, theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ nâng cao hiệu quả tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo về tội phạm (để phát hiện sớm các vụ án), tăng cường phối hợp liên ngành giữa thanh tra, kiểm toán, kiểm sát, tòa án... trong quá trình điều tra, để sớm tiếp nhận các kết quả thanh tra, kiểm tra, có các biện pháp phong tỏa tài sản của đối tượng phạm tội, bảo đảm cho việc thu hồi.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý tài sản, công khai việc kê khai tài sản của công chức, viên chức Nhà nước, nhằm phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy thu các tài sản và các đối tượng tham nhũng.