22:44 08/08/2018

Không luật hoá trần học phí, người nghèo khó tiếp cận những ngành có lợi thế?

Nguyễn Lê

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, cứ để Quốc hội thảo luận, chưa nên "đóng cứng" có quy định mức trần học phí hay không

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau

Cứ để Quốc hội thảo luận, chưa nên "đóng cứng" có quy định mức trần học phí hay không, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng gói lại phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Đây là nội dung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp chiều 8/8.

Khác với dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được thảo luận ngay trước đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nhanh chóng nhận được sự đồng tình trình Quốc hội thông qua theo đúng tiến trình tại kỳ họp thứ 6 tới đây.

Một trong số các vấn đề được cơ quan thẩm tra (Uỷ ban Văn hoá giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) tách riêng xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là trần học phí và cấp quyết định.

Cơ quan thẩm tra cho biết, dự thảo luật quy định mức thu học phí được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ, giao cho nhà trường được tự chủ quyết định mức học phí, công bố công khai mức thu học phí, phí dịch vụ và các khoản thu khác cho rằng năm học và cả khoá học.

Không thể hiện chính kiến, Thường trực uỷ ban thẩm tra đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với việc có quy định mức trần học phí trong giáo dục đại học hay không và cấp có thẩm quyền quyết định mức trần học phí (Chính phủ, bộ).

Cũng chọn vấn đề này để xin ý kiến, Ban soạn thảo dự án luật đặt  vấn đề, nếu luật quy định chi phí đơn vị hoặc trần học phí thì ảnh hưởng đến quyền tự chủ, không khuyến khích huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo như các nước phát triển. Nếu không quy định thì các ngành có lợi thế, được xã hội ưa chuộng sẽ có khả năng thu phí cao, người nghèo sẽ khó tiếp cận với giáo dục đại học khi nguồn lực giành cho tín dụng sinh viên rất eo hẹp.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì mức học phí sẽ do chất lượng đào tạo quyết định.

Nhấn lại nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói có luật hoá trần học phí hay không thì cứ để thảo luận trước Quốc hội, giờ "đóng cứng" ngay thì chưa nên, nhưng đã là tự chủ thì hướng là để từng trường quyết định.

Ngoài vấn đề nêu trên, cơ quan thẩm tra còn xin ý kiến về việc thu thuế doanh nghiệp trường tư thục không vì lợi nhuận.

Theo đó, đối với trường tư thục không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại  học trong đó nhà đầu tư cam kết không rút vốn, không hưởng lợi tức,  phần tích luỹ hằng năm phải được sử dụng để tái đầu tư và thuộc tài sản chung hợp nhất không phân chia... thì quy định không thu thuế doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói vấn đề này nên để quy định ở luật về thuế.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình là quy định về thuế thì để luật về thuế điều chỉnh chứ luật này không nên "gánh" hết.

Cũng liên quan đến quy định về cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, Ban soạn thảo cho biết có ý kiến cho rằng quy định là cơ sở giáo dục mà các nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục như dự thảo là tiệm cận thông lệ quốc tế nhưng không khả thi, không thu hút được các nhà đầu tư cho giáo dục đại học.

Do đó, đề nghị nên quy định cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là không hưởng lợi tức hằng năm hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ hoặc có khoản tiền thưởng hàng năm khi chênh lệch thu chi cao để khuyến khích phát triển loại hình cơ sở giáo dục đại học này, đẩy mạnh xã hội hóa để phù hợp với điều kiện của Việt Nam.