15:17 08/11/2017

Không nhận đơn thư tố cáo điện tử thì "không bình thường"

Nguyễn Lê

Chính phủ rất kiên trì giữ quan điểm chỉ tố cáo trực tiếp và bằng đơn, nhưng đại biểu Quốc hội có quan điểm khác

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thảo luận tổ.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thảo luận tổ.

Chính phủ rất kiên trì giữ quan điểm chỉ tố cáo trực tiếp và bằng đơn, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: "Chúng ta đang ở thời đại công nghệ 4.0 mà sao luật lại đặt cái đó ra bên ngoài?".

Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Nói về sự cần thiết mở rộng hình thức tố cáo, Chủ tịch Quốc hội kể với những tin nhắn tố cáo gửi qua điện thoại mà có nội dung rõ ràng, tên tuổi cụ thể, thì bà đều chuyển cho các cơ quan chức năng giải quyết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tiếp cận thông tin đều đã đề cập đến hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, điện thoại nên Luật tố cáo cũng phải xem xét.

Thực tế có nhiều người biết số điện thoại của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người ta nhắn tin tên tuổi, địa chỉ, cho biết đã gửi đơn tố cáo việc này việc kia cho các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo kiểm tra lại và chỉ đạo trả lời. Cái đó rất tốt, vì tin nhắn rõ ràng, Chủ tịch Quốc hội nói.

Và kể: "thi thoảng tôi cũng nhận được không ít những tin nhắn như thế, tôi đều chuyển cho các cơ quan chức năng. Ví dụ, ngay chiều qua tôi nhận được một tin nhắn nói rõ họ ở địa chỉ này, tên tuổi thế này, họ đã 3 lần gửi đơn tố cáo về việc thu hồi đất và tài sản của họ chưa đúng nhưng đến nay chủ tịch của tỉnh đó chưa giải quyết, đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo giải quyết sớm, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tôi đã chuyển ngay tin nhắn đó cho Chủ tịch địa phương đó".

Chủ tịch Quốc hội cho rằng đó cũng là một cách giao dịch trên phương tiện mà không mất công sức, chỉ bấm nút chuyển tiếp là đến đúng địa chỉ. Bà cho rằng, nếu làm tốt thì tình hình tố cáo sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều.

"Mình phải có trách nhiệm với dân" – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong phát biểu tại tổ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nói đến mặt trái của công nghệ khi rất nhiều tin xấu, tin vu khống tràn lan trên mạng xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng rất ngại nếu chấp nhận hình thức tố cáo này sẽ dẫn đến tràn lan, lợi dụng, nên luật cần quy định chặt chẽ. "Tôi cũng e ngại tình hình phức tạp hơn, nhưng suy đi tính lại ta phải làm thế mới tránh bớt được việc dân cầm đơn đến các cơ quan công quyền", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Lưu ý từ Chủ tịch là tiếp nhận đơn tố cáo bằng thư điện tử, qua tin nhắn nhưng với điều kiện anh khi đi tố cáo phải tố cáo đúng địa chỉ, không phát tán rộng nội dung tố cáo ra tất cả các cơ quan khi chưa biết đúng sai thế nào.

Cũng quan tâm thảo luận hình thức tố cáo, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng vấn đề gì cũng có hai mặt.

Tuy nhiên, thực tế ta đang phấn đấu xây dựng Chính phủ điện tử, áp dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực để phục vụ cho tất cả hoạt động của chính quyền, Nhà nước và người dân, nếu không tiếp nhận đơn thư tố cáo bằng điện tử thì lại là vấn đề "không bình thường".

Ông Phạm Minh Chính đồng tình việc mở rộng hình thức này và cho rằng, với việc nhắn tin qua điện thoại, một người đứng đắn bao giờ cũng có đăng ký đàng hoàng, nên xác minh rất dễ. Thực tế có người ngại, giấu tên, nhưng từ những tin nhắn ấy đã chỉ đạo làm và bắt quả tang được rất nhiều sai phạm, tức là nội dung tin nhắn hoàn toàn chính xác.

Để tránh việc lợi dụng, theo ông Chính luật cần quy định cho chặt chẽ hơn, và người xử lý thông tin phải có sự nhạy bén, có kinh nghiệm để phân định được cái này.

Quan điểm của Trưởng ban Tổ chức là cần quan tâm khuyến khích người tố cáo, vì đa số người tố cáo không có động cơ, lợi ích cá nhân, họ chỉ muốn giúp chính quyền, giúp Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm vì xã hội công bằng, trong sạch.

Việc mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, có ngày tháng năm sinh, địa chỉ và nội dung tố cáo rõ ràng, theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương là cần nghiên cứu, vì tới đây thực hiện mô hình Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, ông Vương băn khoăn những người tố cáo qua thư điện tử gần như công khai, vậy bảo vệ người tố cáo thế nào? việc này theo ông cần phải cân nhắc.