14:36 24/04/2018

Khủng hoảng giá heo, Masan vẫn báo lãi tăng mạnh

KIỀU LINH

Dù gặp khó ở mảng chăn nuôi nhưng Masan vẫn tăng trưởng ấn tượng nhờ Núi Pháo, Techcombank và ngành hàng tiêu dùng

Khủng hoảng giá heo, Masan Group vẫn lãi gấp ba nhờ Núi Pháo.
Khủng hoảng giá heo, Masan Group vẫn lãi gấp ba nhờ Núi Pháo.

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1 năm 2018 của Công ty Cổ phần tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN - HOSE) cho thấy, doanh thu thuần trong quý 1/2018 chỉ đạt 8.247 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ 2017, nhưng lợi nhuận gộp đạt 2.762 tỷ đồng tăng trưởng 11,8%. 

Lãi lớn nhờ Núi Pháo, Techcombbank

Kết quả kinh doanh trên có được nhờ tăng trưởng ở các mảng tiêu dùng, khai thác khoáng sản, Techcombank, bất chấp mảng chăn nuôi gặp khó khăn do giá heo giảm mạnh và kéo dài.

Đà giảm giá heo kéo dài từ năm 2017 đến nay vẫn ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Masan Nutri Science. Doanh thu thuần của Masan Nutri Science quý 1 năm nay đạt 3.201 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái (5.353 tỷ đồng); biên lợi nhuận gộp giảm 6,7% so với quý 1 năm 2017 từ mức 23,9% xuống 17,2%; Ebitda cũng chỉ đạt 341 tỷ đồng, giảm 53,1% so với cùng kỳ năm trước (727 tỷ đồng).

Ở mảng hàng tiêu dùng, Masan Consumer Holdings đạt doanh thu 3.586 tỷ đồng, tăng trưởng 78,3% so với cùng kỳ 2017. Ebitda tăng trưởng 417,4% từ mức 194 tỷ đồng trong quý 1/2017 lên 1.004 tỷ đồng trong quý 1/2018, qua đó cải thiện biên Ebitda từ 9,6% lên 28%.

Ở mảng khai thác khoáng sản, Masan Resources trong quý 1/2018 doanh thu đạt 1.487 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước. Ebida cũng tăng 24,1%, đạt 787 tỷ đồng và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty cũng đạt 117 tỷ đồng, tăng 165,9% so với cùng kỳ. 

Theo Masan Group, doanh thu Masan Resources tăng do giá Vonfram tăng cao, chính sách giám sát môi trường và đặt quota xuất khẩu khắt khe hơn của Trung Quốc và nhu cầu lớn hơn cho các loại hoá chất và kim loại công nghiệp.

Riêng mảng ngân hàng, trong quý 1/2018, lợi nhuận trước thuế Techcombank tăng lên 2.569 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức 1.325 tỷ đồng của quý 1/2017. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng tăng 17,9% so với mức 15,5% cùng kỳ. Tỷ số an toàn vốn đạt 14,5% và tỷ lệ nợ xấu còn 1,87%.

Mở rộng sang ngành dược phẩm

Tại đại hội cổ đông năm 2018, Masan Group đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 20% về doanh thu thuần, đạt từ 45.000 - 47.000 tỷ đồng; lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông dự tính đạt 3.400 - 4.000 tỷ đồng, tăng từ 10-30% so với năm 2017.

Khủng hoảng giá heo, Masan vẫn báo lãi tăng mạnh  - Ảnh 1.

Masan đặt mục tiêu doanh thu lợi nhuận năm 2018.

Theo kế hoạch, Masan Nutri-Science sẽ ra mắt thị trường sản phẩm thịt mát "fresh chilled meat" vào cuối năm nay, đây là yếu tố kỳ vọng mang về những con số kinh doanh đề ra. Riêng mảng mỳ, nửa năm 2018, tập đoàn dự ra mắt dòng sản phẩm cao cấp hơn, sau sự thành công của Omachi mới ra mắt tháng 4 năm ngoái.

Dù đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, song Masan Group nhận định rủi ro có thể ảnh hưởng đến kết quả dự báo năm 2018 như giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, giá heo vẫn có khả năng quay trở lại mức thấp 30.000 đồng một kg, thị trường thức ăn chăn nuôi vẫn cần thêm thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó, gía vonfram giảm dưới mức trung bình 300 USD/mtu trong năm 2018 và hàm lượng quặng không cao như kế hoạch của mỏ.

Về kế hoạch mở rộng lĩnh vực đầu tư, ban lãnh đạo Masan Group cho biết, Masan nhắm đến sản phẩm gia dụng chăm sóc cá nhân, thậm chí đang nghiên cứu ngành dược phẩm, phương án M&A sẽ nhắm vào đối tác có công nghệ để nhanh chóng dấn thân vào ngành hàng mới.

Masan Group cũng sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2017. Hiện dòng tiền của Masan đang có khoảng nửa triệu USD nhưng dùng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trả bớt nợ, hiện tỷ lệ nợ/Ebitda là 3-4 lần.

Về nhân sự, ông Hồ Hùng Anh – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị MSN đã nộp đơn xin từ nhiệm vị trí này nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định mới của pháp luật áp dụng đối với các tổ chức tín dụng. Ông Hồ Hùng Anh đang đương nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Techcombank.