09:47 28/05/2021

Kiểm soát việc ghi nhãn hàng để tránh gian lận xuất xứ

Hàng Việt Nam xuất khẩu chọn ghi “Product of Vietnam” hay là “Made in Vietnam”?..

Thời gian gần đây các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng...
Thời gian gần đây các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng...

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xin ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa…

GIA TĂNG GIAN LẬN XUẤT XỨ

Theo Ban soạn thảo, thời gian gần đây các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi như: gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước; gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

Việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, mất đi thương hiệu Việt Nam, gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế Việt Nam…

Thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Do đó, để ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo ghi nhãn xuất xứ Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó, đặc biệt là tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Theo Ban soạn thảo, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, thực hiện hơn 4 năm qua được đánh giá là đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện công tác quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng lậu, hàng giả.

Góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hóa, minh bạch hàng hóa của mình trước khi đưa hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, đến nay những quy định trong Nghị định đã bộc lộ một số khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và công tác quản lý nhà nước.

ĐIỀU CHỈNH CÁCH GHI XUẤT XỨ HÀNG XUẤT KHẨU

Theo văn bản góp ý của Bộ Tài chính, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh nội dung ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, cách ghi xuất xứ hàng xuất khẩu dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện, kiểm tra, xử lý.

Việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu gặp vướng mắc khi không quy định rõ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn gốc tại thời điểm làm thủ tục hải quan khiến cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc xử lý. Do đó phải điều chỉnh ghi nhãn hàng hóa đối với hàng xuất khẩu, cách ghi xuất xứ hàng xuất khẩu và thể hiện nội dung bắt buộc trên nhãn gốc hàng hóa nhập khẩu.

Còn ý kiến của Bộ Công Thương thì lưu ý đến việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, văn bản pháp luật chưa có quy định về việc thể hiện xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa xuất khẩu, do đó gây vướng mắc cho cơ quan hải quan trong việc thực hiện, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm xuất xứ hàng hóa Việt Nam.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị rà soát sửa đổi Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, cân nhắc các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng nhằm tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xử lý đối với các sản phẩm, hàng hóa như: hàng xuất khẩu, nhập khẩu, các sản phẩm bao gói không hoàn chỉnh…

Ý kiến của Bộ Tư pháp nêu rõ, trong thời gian vừa qua cơ quan hải quan đang yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phải ghi đầy đủ các thông tin bắt buộc trên nhãn gốc ngay tại thời điểm thông quan và xử phạt các trường hợp nhãn gốc không thể hiện đầy đủ thông tin bắt buộc, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị phải cân nhắc thực tế này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 43.

Bộ Y tế thì cho rằng, cần quy định bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa của các thực phẩm đóng gói cần có thêm thông tin về dinh dưỡng gồm: Tổng năng lượng; tổng lượng chất béo trong đó có chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa; tổng lượng carbonhydrat; đường; đạm; muối và có so sánh với nhu cầu khuyến nghị hằng ngày… Quy định này nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng trong tình hình hiện nay.

Bộ Quốc phòng góp ý, cần bổ sung thêm quy định phải dán nhãn phụ đồng thời lên hàng hóa và bao bì thương phẩm của hàng hóa nhóm 2, hàng hóa liên quan đến thiết bị y tế và bảo vệ môi trường.

Bổ sung thêm các quy định, chế tài để xử lý các trường hợp nhãn phụ ghi sai thông tin của hàng hóa, nhãn hàng hóa được in từ nước ngoài có các thông tin thể hiện hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Bổ sung nội dung thể hiện mã số, mã vạch, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy theo hướng sử dụng phần mềm để truy xuất nguồn gốc, quản lý quy cách, chất lượng sản phẩm.

Góp  ý của Bộ Công an là cần bổ sung “hàng hóa xuất khẩu” thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Quy định như hiện nay dễ dẫn đến việc bị lợi dụng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Bộ Thông tin và Truyền thông thì đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa đối với xuất xứ của các sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, trong cấu thành sản phẩm có linh kiện, thiết bị nào có giá trị chiếm từ 25% giá trị sản phẩm trở lên.

Cụ thể, với những sản phẩm như vậy thì trong xuất xứ sản phẩm phải ghi rõ xuất xứ của những linh kiện, thiết bị đó một cách rõ ràng để người sử dụng, nhập khẩu biết trước khi quyết định mua bán, sử dụng.

DOANH NGHIỆP MUỐN DÙNG NGÔN NGỮ THỊ TRƯỜNG ĐÍCH

Trong phần góp ý của mình, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhiều doanh nghiệp đề xuất dự thảo Nghị định nên bãi bỏ các quy định về ghi nhãn với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường nhằm tránh việc gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

Việc không có quy định cụ thể như vậy có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn vì không biết phải thực hiện ghi nhãn như thế nào. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn trường hợp trên, ít nhất dẫn chiếu đến các quy định hiện hành để doanh nghiệp có căn cứ thực hiện.

Việc ghi nhãn với hàng hóa nhập khẩu, dự thảo quy định nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu phải có thông tin về doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hàng hóa. Quy định này được cho là không khả thi và gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu vì Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định doanh nghiệp nhập khẩu là người chịu trách nhiệm về hàng hóa. Khi đó, thông tin của doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải được in trên nhãn gốc, ghi bằng tiếng nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhãn cho hàng hóa được sản xuất và dán đại trà cho sản phẩm đó và thường không phân biệt thị trường chứ không được sản xuất dành riêng cho từng nhà nhập khẩu. Kể cả trong trường hợp thiết kế riêng, chi phí thực hiện cũng rất lớn, qua đó tác động đến giá thành sản phẩm và ảnnh hưởng đến nhu cầu và lợi ích của người tiêu dùng...

Đối với hàng hóa xuất khẩu, dự thảo quy định nội dung về xuất xứ hàng hóa của hàng hóa xuất khẩu phải tuân thủ quy định về ghi xuất xứ. Quy định này cần được xem xét vì chưa rõ doanh nghiệp phải thực hiện ghi xuất xứ bằng ngôn ngữ nào.

Nếu chiếu theo đúng ngôn ngữ quy định tại chính dự thảo nghị định thì doanh nghiệp phải ghi các từ thể hiện xuất xứ bằng tiếng Việt. Quy định như vậy là không phù hợp vì doanh nghiệp khó có thể in một nội dung lên nhãn chỉ để phục vụ cho việc kiểm tra ở Việt Nam, trong khi thị trường đích lại ở nước ngoài.

Do vậy cần bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được sử dụng ngôn ngữ nước ngoài trong trường hợp này. Bổ sung các cách ghi phù hợp, chẳng hạn một số nước cho phép sử dụng cụm từ “Product of …” thay vì “made in …”.

Ngoài ra, quy định này chưa rõ trong trường hợp pháp luật của nước xuất khẩu có quy định về cách ghi xuất xứ hàng hóa khác quy định tại dự thảo. Việc này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng các quy tắc về ghi nhãn hàng hóa cho sản phẩm xuất khẩu…