15:26 07/11/2017

Kiến nghị tăng kiểm soát tài sản, rà soát cán bộ

Hà Vũ

Uỷ ban Tư pháp điểm mặt các nguyên nhân yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng 2017

Cơ quan thẩm tra cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống tham nhũng nói riêng còn chưa nghiêm.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống tham nhũng nói riêng còn chưa nghiêm.

Có một yếu tố được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh khi điểm mặt các nguyên nhân của các hạn chế yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng năm 2017. Đó là "nhờn luật".

Hôm 6/11, báo cáo này đã được trình bày trong phiên họp truyền hình trực tiếp của Quốc hội.

Lợi ích nhóm gây tai tiếng

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng vẫn diễn ra "nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công...

Về tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, cơ quan thẩm tra cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống tham nhũng nói riêng còn chưa nghiêm.

Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn.

Báo cáo thẩm tra có đoạn in nghiêng: "một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm".

Nguyên nhân tiếp theo được cơ quan thẩm tra chỉ rõ là việc công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Việc tiến hành thanh tra, kiểm tra về bổ nhiệm cán bộ để phát hiện sai phạm, tiêu cực, tham nhũng thực hiện còn chậm.

Đề án kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chậm được xây dựng; việc theo dõi, kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quy định của pháp luật và trong cả tổ chức thực hiện nhưng chậm được rà soát, sửa đổi cho phù hợp.

Hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp... Một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp.

Uỷ ban Tư pháp nhận định, nếu như trước đây, tình trạng "lợi ích nhóm", sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri, nhưng qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho thấy, những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ.

Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra nhận định, trong phòng chống tham nhũng có dấu hiệu của việc "hành chính hóa" quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng. Việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng "nhờn luật". Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao…

Những hạn chế nêu trên đã tồn tại qua nhiều năm, Uỷ ban Tư pháp đã kiến nghị và yêu cầu khắc phục nhưng đến nay còn chậm chuyển biến, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Đẩy nhanh tổng rà soát

Qua thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp nêu 4 kiến nghị.

Thứ nhất, Quốc hội, Chính phủ cần quy định một cách đầy đủ, toàn diện hơn về các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai không trung thực. Hoàn thiện các quy định và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ hai, bên cạnh việc chống các hành vi nhũng nhiễu, "tham nhũng vặt", năm 2018, Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục chú trọng phòng, chống tham nhũng dưới hình thức "lợi ích nhóm", "sân sau", trong đó tập trung vào việc nhận diện, chỉ ra những biểu hiện cụ thể của loại hình tham nhũng này để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng lớn.

Thứ ba, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tổng rà soát, kiểm tra công tác cán bộ, tập trung vào rà soát về tiêu chuẩn, điều kiện, chứng chỉ, bằng cấp, việc tuân thủ quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai trong bổ nhiệm cán bộ; xác định tình trạng, nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời.

Đối với những vụ việc kê khai tài sản, bổ nhiệm cán bộ mà dư luận xã hội và cử tri bức xúc, cần khẩn trương vào cuộc để thanh tra, kiểm tra, làm rõ có hay không có tiêu cực, tham nhũng để sớm kết luận, trả lời công luận, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; đồng thời cũng kịp thời bảo vệ uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ, Tổng kiểm toán Nhà nước hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 và Nghị quyết số 111/2015/QH13 về nội dung "tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực báo cáo Quốc hội".