08:50 16/08/2018

Kinh doanh bết bát, Ocean Group xin nợ quỹ bảo trì 16 tỷ của cư dân

KIỀU LINH

Quỹ bảo trì hiện Ocean Group đang nắm giữ của cư dân khoảng 16 tỷ đồng.

Sáng 15/8, nhiều cư dân tiếp tục kéo đến trụ sở nơi Ocean Group tổ chức đại hội cổ đông để tiếp tục đòi quỹ bảo trì.
Sáng 15/8, nhiều cư dân tiếp tục kéo đến trụ sở nơi Ocean Group tổ chức đại hội cổ đông để tiếp tục đòi quỹ bảo trì.

Nhiều cư dân sinh sống tại chung cư StarCity số 81, Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (mã chứng khoán OGC - HOSE) trả lại quỹ bảo trì đang giữ khoảng 16 tỷ đồng.

Cư dân lo sợ Ocean Group chiếm dụng quỹ bảo trì

Chung cư Starcity 81 Lê Văn Lương do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư, với vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ năm 2009, Vneco và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) ký hợp đồng góp vốn đầu tư bất động sản và ủy quyền bán. Theo đó, Ocean Group đã đứng tên bán và thu 2% quỹ bảo trì từ các chủ sở hữu căn hộ, khoảng 16 tỷ đồng. Còn Vneco thu được khoảng 2,45 tỷ đồng.

Sau khi được thành lập hợp pháp vào tháng 9/2017, ban quản trị toà nhà đã gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư Vneco và Ocean Group bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư và hồ sơ tòa nhà. Đến nay, Vneco đã bàn giao cho ban quản trị 2,45 tỷ đồng nhưng Ocean Group vẫn còn giữ hơn 16 tỷ đồng chưa trả.

Trước những phản ánh của cư dân, ngày 7/5, Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư và Ocean Group phải thống nhất với ban quản trị lộ trình bàn giao kinh phí bảo trì theo đúng quy định của pháp luật. 

Trong văn bản gửi Ban quản trị của Ocean Group, đơn vị này cho biết, hiện nay Ocean Group vẫn còn giữ hơn 16 tỷ đồng tiền phí bảo trì tại chung cư StarCity. Ocean Group sẽ trả cho cư dân trong vòng 10 năm chia làm 40 kỳ thanh toán theo mỗi quỹ, thời điểm thanh toán hàng kỳ không muộn hơn ngày cuối cùng mỗi quỹ với số tiền tạm tính theo số dư đã thu là 403,7 triệu đồng/kỳ. Trong trường hợp tài chính cho phép thì ưu tiên thanh toán sớm hơn với kế hoạch.

"Ocean hiện đang rất khó khăn về mặt tài chính, vì vậy mong ban quản trị toà nhà chia sẻ và chấp nhận phương án trên", đại diện Ocean Group nói.

Tuy nhiên, không đồng tình với ý kiến của Ocean Group, một cư dân ở đây cho biết: Đây là một văn bản hoàn toàn vô lý, Luật Nhà ở đã quy định rõ chủ đầu tư phải bàn giao khoản phí bảo trì này cho cư dân ngay khi Ban quản trị tòa nhà đó được thành lập.

 Ocean Group đã thua lỗ nhiều năm liên tiếp

Theo báo cáo của Ban tổng giám đốc Ocean Group, do ảnh hưởng của thị trường bất động sản trong suốt nhiều năm qua, tình hình kinh doanh của Ocean Group liên tục gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính còn do nhân sự là lãnh đạo cao cấp nhất và là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn bị khởi tố do liên quan đến sai phạm cá nhân tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Ocean Bank).

Năm 2016, OGC lỗ 794 tỷ đồng. Đến năm 2017, Ocean Group tiếp tục lỗ 471 tỷ đồng, nâng con số lũy kế lên 2.884 tỷ đồng. 

Nguyên nhân lỗ chủ yếu là do trong năm 2017 công ty trích lập các khoản dự phòng theo quy định của chế độ kế toán khoảng 844 tỷ đồng. Theo Ocean Group, nếu loại trừ ảnh hưởng của việc trích lập dự phòng thì công ty đạt mức lợi nhuận sau thuế khoảng 373 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng bất động sản chỉ đóng góp một phần nhỏ với 49 tỷ đồng thu về trong năm 2017. Các dự án Ocean Group đang triển khai gặp nhiều khó khăn.

Tại dự án StarCity, ban lãnh đạo công ty cho biết, trong năm 2017 đã làm việc với chủ đầu tư công ty Vneco để thống nhất ký hợp đồng mua bán bất động sản thay thế cho hợp đồng góp vốn bất động sản và uỷ quyền bán đã ký trước đây. Hợp đồng được ký kết thông qua đàm phán giảm so với hợp đồng góp vốn đã ký từ 803,7 tỷ đồng xuống 684,7 tỷ đồng. 

Sau giai đoạn khó khăn trên, năm 2018 Ocean Group đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.393 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng. Theo cáo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm, công ty lỗ sau thuế hơn 8 tỷ đồng do trích lập dự phòng. Tuy nhiên, số liệu tài chính 6 tháng cuối năm sẽ khả quan và có lãi.