09:48 19/11/2018

Kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều rắc rối lớn

Hoài Thu

Bên cạnh chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều rắc rối lớn

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng với mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng với mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của kinh tế Trung Quốc là chiến tranh thương mại leo thang với Mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nước này cũng phải đối mặt với nhiều rắc rối lớn như quy mô tín dụng lớn, đồng nội tệ mất giá, bong bóng bất động sản.... 

Theo CNN, những vấn đề của kinh tế Trung Quốc có thể bị chiến tranh thương mại làm trầm trọng thêm. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng với mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. 

Xuất khẩu của nước này vẫn tăng mạnh bất chấp việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan tới 16% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc hồi tháng 10. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi khi mức thuế sẽ tăng lên 25% vào cuối tháng 12 như ông Trump đe dọa. Điều này sẽ nối dài những khó khăn đối với kinh tế Trung Quốc. 

Khối nợ khổng lồ

Nhiều năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng nhờ nợ.

Kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều rắc rối lớn - Ảnh 1.

"Tăng trưởng của Trung Quốc phụ thuộc lớn vào tín dụng", Gerard Burg, nhà kinh tế học cấp cao của Ngân hàng National Australia Bank nhận định. Tổng dư nợ trong hệ thống tài chính nước này đang lớn gấp nhiều lần quy mô nền kinh tế. 

Một phần tín dụng được dùng để xây dựng cầu, đường và cơ sở hạ tầng khác. Tuy nhiên, phần lớn được rót vào những thành phần kém năng suất của nền kinh tế như các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân không được hưởng lợi nhiều.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã bắt tay kìm hãm khối nợ khổng lồ, một trong những lý do chính kiến kinh tế giảm đà tăng trưởng. Một số nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về những cam kết làm sạch hệ thống tài chính của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt khi đà giảm tăng trưởng kinh tế ngày càng lớn và chiến tranh thương mại leo thang. 

Theo Kevin Lai, nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Daiwa Capital Markets, nhiều doanh nghiệp quốc doanh hoặc trực thuộc chính quyền tỉnh sẽ khó tồn tại nếu không có các đợt bơm tín dụng giá rẻ liên tục. 

"Việc cắt nguồn tin dụng cho các công ty này có thể gây ra nhiều hệ quả tiêu cực như bất ổn xã hội, sa thải nhân viên, phá sản", Lai nói. Đây là viễn cảnh mà Bắc Kinh muốn tránh.

Đồng nội tệ mất giá 

Kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều rắc rối lớn - Ảnh 2.

Đồng Nhân dân tệ đã giảm hơn 9% so với đồng USD kể từ tháng 1/2018.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng giảm áp lực lên Nhân dân tệ khi đồng tiền này đã hơn 9% so với USD kể từ tháng 1 năm nay. Đồng nội tệ của Trung Quốc giảm mạnh do những quan ngại về sức khỏe nền kinh tế và các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. 

Đồng nhân dân tệ suy yếu đã giúp thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc nhưng trong quá khứ tình trạng này đã nhiều lần khiến chính phủ Bắc Kinh phải đau đầu.

Vào các lần mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ vào năm 2015 - 2016, dòng tiền khổng lồ ồ ạt rút ra khỏi Trung Quốc khi các nhà đầu tư tin rằng đồng tiền này sẽ còn tiếp tục giảm. Cơn khủng hoảng này buộc Bắc Kinh phải bơm hàng trăm tỷ USD để vực dậy đồng nội tệ. 

Theo Manu Bhaskaran, người sáng lập hãng nghiên cứu Centennial Asia có trụ sở tại Singapore, đồng Nhân dân tệ mất giá có thể sẽ trở thành một vòng tròn luẩn quẩn cho kinh tế nước này.

Vài tháng gần đây, có vẻ Bắc Kinh cũng đã bắt đầu "xả" khối dự trữ ngoại tệ để kìm đà giảm của đồng nhân dân tệ, theo Capital Economics.

Bong bóng bất động sản

Kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều rắc rối lớn - Ảnh 3.

Một mối đe dọa nữa của kinh tế Trung Quốc là thị trường bất động sản quá nóng. Trong 10 năm qua, giá nhà tại nước này đã tăng gần gấp đôi, do lãi suất thấp và thiếu nguồn cung tại các thành phố lớn, theo hãng nghiên cứu Gavekal. 

Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang "xuất hiện những vết nứt", Aidan Yao, nhà kinh tế thị trường mới nổi tại AXA Investment Managers, nhận định. Ông đưa ra vài ví dụ về việc một số nhà phát triển bất động sản giảm giá khi đối mặt với nguy cơ giảm cầu. "Chỉ là vấn đề thời gian trước khi thị trường hạ nhiệt", Yao nói. 

Thị trường bất động sản là một trong số ít điểm sáng của Trung Quốc trong năm nay nhưng sẽ trở thành gánh nặng nếu rơi vào đà sụt giảm, theo các nhà phân tích của hãng nghiên cứu Fitch Solutions. "Điều này sẽ tăng thêm một tầng áp lực nữa", các nhà phân tích của hãng viết trong báo cáo gửi khách hàng vào tháng trước. 

Những vấn đề "kinh niên"

Để kích thích tăng trưởng kinh tế, chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp giảm thuế, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nới nỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, một số chuyên gia, đây là những "liều thuốc" sai lầm cho những vấn đề kinh tế của nước này. 

"Những vấn đề của Trung Quốc là 'kinh niên' chứ không phải 'cấp tính'", Derek Scissors, chuyên gia Trung Quốc tại American Enterprise Institute có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho biết. 

Theo Scissors, những vấn đề lớn như dân số già hóa nhanh chóng hay môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh gần như bị bỏ qua. 

Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chính sách một con kéo dài nhiều thập kỷ, đồng thời cố gắng tăng tính cạnh tranh với việc cho phép doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn với các lĩnh vực như ôtô hay ngân hàng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này,  những động thái là quá chậm trễ, hoặc không đủ mạnh, làm tăng thêm quan ngại về tương lai dài hạn của kinh tế Trung Quốc. 

"Những nền kinh tế già nua và ngập nợ không thể phát triển được", Scissors nói.