08:20 02/11/2018

Lao dốc mạnh, giá dầu chạm đáy 7 tháng

Diệp Vũ

Các nước sản xuất dầu lớn tăng mạnh sản lượng, trong khi nhu cầu tiêu thụ có nhiều dấu hiệu suy yếu

Giá dầu hiện đã giảm 17% so với mức đỉnh thiết lập hồi đầu tháng 10 - Ảnh: Reuters.
Giá dầu hiện đã giảm 17% so với mức đỉnh thiết lập hồi đầu tháng 10 - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới giảm gần 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, trong đó giá dầu WTI xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4. 

Nguyên nhân chính khiến giá dầu sụt giảm phiên này là nỗi lo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu yếu đi giữa lúc sản lượng khai thác của các nước sản xuất dầu lớn đang tăng mạnh.

Theo hãng tin Reuters, thông tin về sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ và Nga, cùng với việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nâng sản lượng, đã dẫn tới việc giới đầu tư bán tháo "vàng đen".

Ngoài ra, dầu cũng chịu áp lực mất giá từ mối lo ngày càng lớn về nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa được giải quyết. Xung đột thương mại được cho là đã bắt đầu có ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi.

Giá dầu hiện đã giảm 17% so với mức đỉnh thiết lập hồi đầu tháng 10. Giới phân tích dự báo dầu sẽ tiếp tục bị bán mạnh trong những phiên sắp tới. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc giá dầu không thể tăng dù đồng USD xuống giá trong phiên ngày thứ Năm, và cũng không tăng nổi theo sự hồi phục của thị trường chứng khoán Phố Wall.

"Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế", ông Gene McGillan, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thị trường thuộc Tradition Energy, nhận định.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,15 USD/thùng, tương đương giảm 2,9%, còn 72,89 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York mất 1,62 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 63,69 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 9/4.

Tốc độ giảm của giá dầu được đẩy nhanh chóng phiên ngày thứ Năm, sau khi giá dầu WTI tụt dưới 65 USD/thùng - ngưỡng vốn được xem là mức giá để mua vào trong thời gian từ đầu năm cho tới gần đây.

"Giá càng giảm thì giới đầu cơ càng bán mạnh", ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch & Associates, phát biểu.

Tháng 10 vừa qua, cả dầu Brent và dầu WTI cùng có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016. Trong đó, giá dầu Brent sụt 8,8% và giá dầu WTI "bốc hơi" 11%.

Hôm thứ Tư, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu thô của nước này đạt kỷ luc 11,35 triệu thùng/ngày trong tháng 8, đồng thời dự báo mức sản lượng sẽ tiếp tục tăng. Nga hiện đang khai thác dầu với tốc độ 11,41 triệu thùng/ngày, còn một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy xu hướng của OPEC từ năm 2016 đến nay là khai thác ngày càng nhiều dầu.

Dòng dầu khổng lồ từ các nguồn cung cấp trên đang áp đảo những mối lo gần đây của thị trường về khả năng xuất khẩu dầu của Iran sẽ sụt giảm mạnh sau khi Mỹ tái áp trừng phạt ngành dầu lửa nước này vào tuần tới.

Sản lượng dầu tăng lên của OPEC "đã thực sự bắt đầu trấn an những nỗi lo về nguồn cung dầu hao hụt từ Iran", ông McGillian nhận xét.

Dữ liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc trong tháng 10 tăng trưởng chậm nhất trong hơn 2 năm, do ảnh hưởng của nhu cầu giảm tốc cả trong và ngoài nước. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng gia tăng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

"Giới đầu tư dầu lửa giờ đây đang đặt cược vào khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu", nhà phân tích Bruce Xue thuộc Huatai Great Wall Capital Management phát biểu.