06:00 30/07/2022

Liệu Trung Quốc có tránh được “stagflation” kiểu Nhật?

An Huy

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng Trung Quốc sẽ tránh được tình trạng “stagflation” (tăng trưởng trì trệ kết hợp lạm phát cao) kiểu Nhật Bản, nếu các chính sách đúng đắn được nước này triển khai và phát huy tác dụng...

Trong một nhà máy sản xuất xe ô tô chạy năng lượng mới ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc - Ảnh: Getty/CNBC.
Trong một nhà máy sản xuất xe ô tô chạy năng lượng mới ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc - Ảnh: Getty/CNBC.

Số liệu công bố cách đây 2 tuần cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc trong quý 2 năm nay chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt dự báo tăng trưởng 1% mà giới phân tích đưa ra trước đó, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,8% đạt được trong quý 1.

TIỀM NĂNG CHƯA KHAI PHÁ

Sự giảm tốc này diễn ra trong bối cảnh phong toả chống Covid-19 bóp nghẹt tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Những hạn chế đó giờ đã được nới, nhưng chiến lược chống dịch hà khắc mang tên Zero Covid vẫn là một vấn đề bấp bênh lớn. Dù vậy, giới chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc vẫn còn tiềm năng tăng trưởng chưa được khai phá cho mấy năm tới, ngay cả khi các biện pháp chống Covid được dỡ bỏ hoàn toàn.

Thứ nhất, mức thu nhập và mức chi tiêu của người dân Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để tăng.

Năm 2021, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/5 so với của Mỹ. Thu nhập quốc gia ròng bình quân đầu người của Trung Quốc mới chỉ bằng khoảng 1/7 so với của Mỹ - theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

“Xét tới khoảng cách để bắt kịp vẫn còn rộng, kinh tế Trung Quốc sẽ duy trì mức tăng trưởng 4-5% trong 5-10 năm tới”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Larry Hu của Macquarie nhận định. Theo ông Hu, có một số yếu tố khó lường có thể ảnh hưởng đến tính toán của ông, bao gồm việc liệu mô hình tăng trưởng của Trung Quốc có thể dịch chuyển từ chỗ phụ thuộc vào đầu tư sang phụ thuộc vào tiêu dùng hay không”.

Một lĩnh vực tiềm năng khác là kế hoạch của Trung Quốc về thống nhất các tiêu chuẩn về kinh doanh và tiếp cận kinh doanh ở nước này, theo chuyên gia kinh tế trưởng Dan Wang của Hang Seng Bank of China. “ Một khi những rào cản đó được dỡ… thu nhập của người Trung Quốc có thể tăng mạnh”, bà Wang nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng chính sách hiện nay ở Trung Quốc có thể ưu tiên một công ty địa phương thay vì một công ty đến từ một địa phương khác. Ví dụ về sự ưu đãi mang tính vùng miền này đã thể hiện rõ trong năm nay, khi các quy định chống Covid-19 khác nhau của các địa phương khác nhau đã dẫn tới sự thiếu hiệu quả.

Bà Wang cũng nói nhu cầu của thị trường nước ngoài và đầu tư gia tăng vào ngành sản xuất của Trung Quốc có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

SẼ KHÔNG CÓ “STAGFLATION” KIỂU NHẬT?

Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng nền kinh tế nước này đã bị ảnh hưởng “bất ngờ” bởi Covid và chiến tranh Nga-Ukraine, đồng thời nói thêm rằng áp lực lạm phát ở các quốc gia khác như Mỹ cao hơn nhiều so với ở Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có đối mặt với nguy cơ “stagflation” kiểu Nhật Bản, trưởng nghiên cứu Zong Liang của Bank of China bác bỏ khả năng này. Ông nói rằng Trung Quốc, một trong những nguyên nhân để tin tưởng là Trung Quốc duy trì việc kiểm soát tỷ giá, trong khi tỷ giá đồng Yên của Nhật Bản biến động quá nhanh.

Ông Zong cũng nhấn mạnh sự đầu tư và tự chủ của Trung Quốc trong sáng tạo công nghệ. Về tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, ông dự báo các biện pháp kích thích công bố hồi tháng 5 sẽ phát huy tac dụng trong quý 3 hoặc quý 4 năm nay, bên cạnh một số lợi ích từ thương mại tăng cường nhờ các thoả thuận tự do thương mại (FTA) khu vực mới được ký kết.

Dù vậy, ông Zong nói rằng Trung Quốc thực sự đối mặt một số thách thức tương tự như Nhật Bản khi nói về thị trường bất động sản.

Bắc Kinh đã cố gắng kiểm soát đầu cơ địa ốc trong những năm gần đây, nhưng một vấn đề khác chìm hơn và khó khăn hơn đối với thị trường bất động sản nước này là dân số lão hoá. Ông Zong nói đây là một vấn đề đáng để theo dõi.

“Trung Quốc là một phiên bản cực đoan hơn của những mất cân đối kiểu Nhật Bản”, khiến nước này khó phụ thuộc vào tiêu dùng để tăng trưởng hơn – theo giáo sư kinh tế Michael Pettis thuộc Đại học Bắc Kinh.

Kể từ thập niên 1990, sau khi vỡ bong bóng bất chứng khoán và bất động sản, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào trì trệ, thường xuyên tăng trưởng chậm hơn nhiều so với kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Trước đó, Nhật Bản đã tăng trưởng mạnh trong thập niên 1970 và 1980 nhờ tăng trưởng cao trong xuất khẩu và đầu tư hạ tầng, nhưng đến đầu thập niên 1990, nước này ngày càng đầu tư nhiều vào các dự án lãng phí – ông Pettis nói.

Ông nói Nhật Bản đến nay vẫn chưa thể biến tiêu dùng thành động lực tăng trưởng, chủ yếu bởi ngành sản xuất của nước này chưa thể chấp nhận sự dịch chuyển cần thiết lên mức tiền lương cao hơn.

Theo ông Pettis, Trung Quốc không nhất thiết đi sẽ theo “vết xe đổ” của Nhật Bản, nếu nước này có thể thực hiện những thay đổi cần thiết. Tuy nhiên, ông cho rằng khả năng cao hơn là Trung Quốc sẽ không rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc sụt giảm kinh tế mạnh mẽ, và thay vào đó có khả năng sẽ “đối mặt với một thời kỳ tăng trưởng tăng trưởng thấp kéo rất dài kiểu Nhật Bản”.

Nếu đầu tư kém hiệu quả, nhất là trong hạ tầng và bất động sản, không được cắt giảm và thay thế bởi một nguồn tăng trưởng tương đương, ông Pettis ước tính rằng GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng không nhiều hơn 2-3% mỗi năm trong những năm tới.

Đối với năm nay, nhiều ngân hàng đầu tư đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc xuống dưới mức 4% do ảnh hưởng bất lợi từ chính sách Zero Covid. “Các chuyên gia kinh tế không thể giải quyết vấn đề này”, Phó giám đốc Xu Hongcai của Uỷ ban Chính sách kinh tế thuộc Hiệp hội Khoa học chính sách Trung Quốc nhận định.

Ông Xu đưa ra quan điểm bi quan, cho rằng chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá có thể không đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và sự gia tăng quy mô của những biện pháp này sẽ chỉ làm gia tăng thêm các vấn đề trong dài hạn. Vấn đề trong ngành bất động sản khổng lồ của Trung Quốc một lần nữa gây nhiều lo ngại trong thời gian gần đây, khi nhiều người vay tiền mua nhà tuyên bố dừng trả nợ ngân hàng cho tới khi chủ đầu tư hoàn thiện nhà để bàn giao.

Nhưng rốt cục, nền kinh tế Trung Quốc có thể phải nhờ tới sự giúp đỡ của Chính phủ nước này.

Hồi năm 2016, tác giả Zhu Ning từng cảnh báo những rủi ro từ sự hỗ trợ thái quá của Chính phủ đối với nền kinh tế trong cuốn sách “China’s Guaranteed Bubble” (tạm dịch: “Bong bóng chắc chắn xảy ra ở Trung Quốc”). Tháng trước, ông Zho nói rằng giải pháp tốt nhất đối với vấn đề thất nghiệp và bong bóng địa ốc ở Trung Quốc là sự hỗ trợ gia tăng của nhà nước.

“Những gì đã diễn ra ở Nhật Bản có thể sẽ là một lý do để Trung Quốc có thêm các biện pháp kiểu nền kinh tế tập trung”, ông Zhu – giáo sư thuộc Học viện Tài chính cấp cao Thượng Hải – phát biểu. Theo ông Zhu, cũng giống như việc Nhật Bản phát triển mạng lưới phúc lợi xã hội trong thời kỳ bong bóng, Trung Quốc cần đầu tư thêm nguồn lực để đảm bảo 3 nhu cầu thiết yếu là nhà ở, chăm sóc y tế và giáo dục. Ông cho rằng việc giải phóng người tiêu dùng Trung Quốc khỏi những chi phí đó sẽ khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn.