11:09 16/05/2018

Lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng - Viglacera đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu

Thu Phương

Lợi nhuận trước thuế vượt ngưỡng 1,000 tỉ đồng trong năm 2017 của Viglacera là minh chứng điển hình cho thành công của chiến lược Cổ phần hóa

Thành công của 4 năm cổ phần hóa đang thúc đẩy Viglacera đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước, quyết liệt tái cơ cấu công ty.
Thành công của 4 năm cổ phần hóa đang thúc đẩy Viglacera đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước, quyết liệt tái cơ cấu công ty.

Lợi nhuận trước thuế vượt ngưỡng 1,000 tỉ đồng trong năm 2017 của Viglacera là minh chứng điển hình cho thành công của chiến lược Cổ phần hóa. Đây là tiền đề để Tổng công ty sẵn sàng cho quá trình thoái vốn nhà nước, trở thành doanh nghiệp 100% vốn tư nhân.

Năm 1974, Viglacera từ 18 xí nghiệp nhỏ với những xưởng gạch ngói nung bằng phương pháp thủ công. Đến nay, Viglacera đã trở thành Tập đoàn đa ngành hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực Sản xuất vật liệu xây dựng và Đầu tư kinh doanh bất động sản với 40 đơn vị Thành viên và khoảng 10 nghìn lao động. Không chỉ thế, Viglacera đang tiếp tục tái cơ cấu sâu rộng và linh hoạt chuyển đổi để vươn mình mạnh mẽ ra thế giới, với sự có mặt của các sản phẩm vật liệu xây dựng mang thương hiệu Viglacera tại hơn 40 vùng miền và lãnh thổ.

Hành trình gần 45 năm hoạt động được ghi dấu khi Viglacera lần đầu tiên đạt mốc lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng vào năm 2017. Đây là một con số rất đáng được ghi nhận khi Viglacera từng gặp khó khăn trong giai đoạn thị trường Bất động sản đóng băng 2011-2013.

Phải đến năm 2014, tận dụng dấu hiệu hồi phục của thị trường bất động sản, sự phát triển của các dòng sản phẩm vật liệu xây dựng, đồng thời phát huy lợi thế của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, Viglacera với những hành động cụ thể trong quản lý nguồn vốn, tái cấu trúc doanh nghiệp cũng như phân bổ lĩnh vực đầu tư đã tạo nên những bước đi đột phá và mạnh mẽ trong cả lĩnh vực Sản xuất vật liệu xây dựng và Đầu tư kinh doanh Bất động sản.

Cụ thể, sự chuyển mình của Viglacera bắt đầu bằng việc bán 25% cổ phần nhà nước, rút vốn khỏi một số công ty hoạt động kém hiệu quả như Công ty Cổ phần Giấy Tây Đô; Công ty Cổ phần Thủy tinh Gò Vấp, Công ty Cổ phần Nguyên liệu Viglacera, Công ty Cổ phần Viglacera Đông Triều…; giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Tư vấn Viglacera, Công ty Cổ phần Viglacera Việt Trì, Công ty Cổ phần Viglacera Thanh Trì…

Đồng thời, Viglacera cũng tập trung đẩy mạnh phát triển các dự án sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao như kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, bê tông khí chưng áp, gạch clinker và nỗ lực đầu tư cho lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp, kinh doanh bất động sản với tỉ lệ tương đương 40-45% giá trị toàn tổng công ty, tăng trưởng bình quân 10-15%/năm.

Cổ phần hóa - thành bại đến từ bên trong

Có thể thấy, quá trình cổ phần hóa của Viglacera đã đi vào thực chất, khi nỗ lực giảm tỉ lệ sở hữu vốn của nhà nước, đồng thời huy động và tận dụng thành công nguồn lực từ nguồn vốn tư nhân.

Song song với quá trình cổ phần hóa là các hoạt động triển khai các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, thay đổi tổ chức quản lý điều hành, hình thức huy động vốn đa dạng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Đây là cách làm chủ động và mạnh dạn, khác với tình trạng cổ phần hóa nặng tính hình thức ở nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Được biết, hiện nay 96,5% số doanh nghiệp đã được cổ phần hoá, nhưng chỉ có 8% tổng số vốn Nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Điều này làm cho quá trình cổ phần hóa chỉ đạt "lượng" nhưng không đạt "chất". Như vậy, doanh nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn nhà nước, không huy động được nguồn vốn đa dạng, cải thiện năng lực tài chính cũng như năng lực sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, với 4 năm thực hiện cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Viglacera liên tục tăng trưởng mạnh trở lại: Lợi nhuận năm sau tăng trưởng so với các năm trước, đạt trên 10%. Năm 2017 ghi nhận thành tích vượt trội trong lịch sử gần 45 năm của Viglacera khi Tổng công ty này đạt lợi nhuận hợp cộng trước thuế lên tới 1.019 tỷ đồng trên tổng doanh thu 16.486 tỷ đồng. Lợi nhuận và doanh thu đều tăng hơn 10% so với thực hiện năm 2016.

Vốn nhà nước về 0% - Viglacera vươn ra biển lớn

Thành công của 4 năm cổ phần hóa đang thúc đẩy Viglacera đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước, quyết liệt tái cơ cấu công ty.

Cụ thể, tháng 7/2017 vừa qua, Viglacera phát hành thành công 120 triệu cổ phiếu (VGC), tăng vốn điều lệ lên 4.270 tỷ đồng; tháng 12 hoàn thành phát hành tăng vốn theo chương trình ESOP, nâng vốn điều lệ lên 4.483 tỷ đồng và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước còn 53,97%. Đây là tiền đề quan trọng để đồng thời chuẩn bị các bước công việc nhằm triển khai thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty trong giai đoạn 2018 - 2019. Theo đó, trong năm 2018, Viglacera dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước xuống còn 36%, năm 2019 vốn nhà nước về 0%.

Có thể nói, bên cạnh những chuyển biến sâu rộng về cơ cấu vốn sở hữu, tinh thần quyết tâm và định hướng đầu tư phát triển mạnh mẽ của Ban lãnh đạo Viglacera đã và đang mở ra một tương lai mới cho Tổng công ty. Không chỉ dừng lại ở vị trí dẫn đầu trong ngành Vật liệu xây dựng và Bất động sản trong nước, Viglacera đang vươn mình ra biển lớn với nhiều hạng mục đầu tư trên phạm vi quốc tế, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài khu vực.