14:20 06/12/2017

Mô hình hoạt động hiệu quả của hợp tác xã nông nghiệp Tân Cường

Tiến Hải

Những năm gần đây, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp làm ăn liên tục có lãi

Trồng lúa nghe đơn giản nhưng để đạt năng suất cao, gạo thơm ngon thì không nên bón nhiều đạm vào cuối vụ, lúc lúa làm đòng trở đi.
Trồng lúa nghe đơn giản nhưng để đạt năng suất cao, gạo thơm ngon thì không nên bón nhiều đạm vào cuối vụ, lúc lúa làm đòng trở đi.

Những năm gần đây, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp làm ăn liên tục có lãi. Từ những ngày đầu khó khăn, thiếu thốn đến nay tài sản của Hợp tác xã đã tăng lên 42 tỷ đồng, thu hút nhiều xã viên tham gia và trở thành mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới điển hình.

Thành lập năm 2000, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường chỉ có 31 triệu đồng tiền vốn. Để có thể hoạt động theo điều lệ, 6 thành viên trong Ban quản trị Hợp tác xã đã phải thế chấp phần ruộng đất nhà mình để vay vốn ngân hàng. "Chúng tôi tích cực tuyên truyền, thuyết phục bà con xã viên, ban đầu dịch vụ đơn thuần chỉ là tưới tiêu cho 430ha đất nông nghiệp của xã, lấy đó làm vốn để hoạt động. Trước tình hình khó khăn về điện, Hợp tác xã đã bố trí lịch bơm nước vào giờ thấp điểm nên giá thành hạ, giá thu thủy lợi phí thấp hơn bên ngoài Hợp tác xã. Dần dần, xã viên rất tin tưởng", ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc Hợp tác xã, chia sẻ.

Nhờ có cách làm thông minh nên ngay trong năm đầu tiên hoạt động, dịch vụ bơm tưới của Hợp tác xã đã sản sinh lợi nhuận, cuối năm Hợp tác xã chia lãi theo tỷ lệ góp vốn của xã viên với mức 5%/tháng.

Từ đây, Hợp tác xã bắt tay vào xây dựng trạm bơm, đê bao, cống, đập để phân vùng, khép kín đồng bộ cánh đồng bằng bơm điện, trong đó có 430ha đê bao khép kín sản xuất 3 vụ và 170ha sản xuất 2 vụ trong năm…

Sau đó, Hợp tác xã bắt đầu phát triển sang các hoạt động khác như cung cấp nước sạch nông thôn, vật tư nông nghiệp, sản xuất kinh doanh lúa giống, tiêu thụ lúa hàng hóa và cung cấp tín dụng nội bộ xã viên.

Ông Nguyễn Văn Trãi cho biết, hoạt động tín dụng nội bộ của Hợp tác xã chính thức vận hành từ năm 2004, 10 năm sau doanh số dư nợ đã đạt trên 7 tỷ đồng, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho thành viên.

Tính đến Đại hội đại biểu thành viên thường niên đầu năm 2017, Hợp tác xã có 128 thành viên tham gia góp vốn trị giá trên 9 tỷ đồng và đã chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Trong năm 2016, chỉ tính riêng 2 dịch vụ chính của Hợp tác xã là cung ứng và tiêu thụ nông sản, Hợp tác xã đã thu lãi gần 2 tỷ đồng.

"Hợp tác xã chia lợi nhuận cho xã viên chủ yếu bằng hai hình thức: theo góp vốn (60%), theo sử dụng dịch vụ (40%). Tổng cổ phần của Hợp tác xã là 10.524 cổ phần, trong đó 1.800 cổ phần không sử dụng dịch vụ. Hiện nay, Hợp tác xã phát triển theo mô hình cánh đồng lớn, với tổng diện tích 1.500ha đều áp dụng cơ giới hóa, lúa của xã viên được bao tiêu toàn bộ", ông Trãi cho hay.

Ông Huỳnh Thanh Thao - thành viên Hợp tác xã cho biết: "Là cổ đông của Hợp tác xã Tân Cường, chúng tôi được cung cấp vật tư nông nghiệp với giá gốc, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất từ A-Z, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với cam kết được hỗ trợ thêm 200 đồng/kg. Mấy vụ lúa gần đây, vụ nào gia đình tôi cũng lãi hơn 100 triệu đồng, ngoài ra còn có khoảng 14 triệu đồng cổ tức nữa. Vào Hợp tác xã chúng tôi làm ăn nhàn hẳn, khỏi lo chuyện thương lái ép giá lúa".

Theo chia sẻ của ông Trãi, để tạo ra lượng lúa hàng hoá lớn, thu hút doanh nghiệp vào thu mua sản phẩm, Hợp tác xã đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất theo quy trình VietGAP; phối hợp với các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang; Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau… để xây dựng mô hình, hướng dẫn xã viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nhằm nâng cao chất lượng lúa, giảm chi phí…

Về bí quyết bón phân "4 đúng", ông Hướng cho biết: "4 đúng" nghĩa là bón đúng lúc, đúng loại, đúng liều lượng, đúng phương pháp. Nguyên tắc phải nhớ đối với việc bón phân đạm, ví dụ như bón N.Humate TE của Đạm Cà Mau là "nặng đầu nhẹ cuối". Cụ thể, 30-40% lượng đạm cho đợt 1; 30-40% cho đợt 2; 20% cho đợt 3 (đón đòng); nếu cần thì bón 10% cho lúc lúa trổ. Trồng lúa nghe đơn giản nhưng để đạt năng suất cao, gạo thơm ngon thì không nên bón nhiều đạm vào cuối vụ, lúc lúa làm đòng trở đi.