15:00 05/12/2018

Mỹ ra “tối hậu thư” với Nga về thỏa thuận hạt nhân

An Huy

Mỹ yêu cầu Nga trong vòng 60 ngày phải chấm dứt hoàn toàn những điều mà Washington cho là vi phạm thỏa thuận kiểm soát tên lửa tầm trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) "chạm mặt" Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh G20 ở Argentina - Ảnh: Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) "chạm mặt" Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh G20 ở Argentina - Ảnh: Getty.

Mỹ ngày 4/12 đưa ra cho Nga một "tối hậu thư", trong đó yêu cầu Moscow trong vòng 60 ngày phải chấm dứt hoàn toàn những điều mà Washington cho là vi phạm một thỏa thuận kiểm soát vũ khí nhằm ngăn chặn việc triển khai tên lửa ở châu Âu.

Theo hãng tin Reuters, Mỹ nói rằng chỉ Nga mới có thể cứu thỏa thuận này thoát khỏi bờ vực đổ vỡ.

Thỏa thuận mà Mỹ đề cập trong lời cảnh báo trên là Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết hồi năm 1987, quy định cả Mỹ và Nga cùng xóa bỏ tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung. Hồi tháng 10, Tổng thống Donald Trump cáo buộc Nga không tuân thủ thỏa thuận này và dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận.

Giới chức Mỹ từ lâu cho rằng Nga đã phát triển tên lửa hành trình tầm trung phóng từ mặt đất và có thể mang đầu đạn hạt nhân tấn công vào các thành phố ở châu Âu. Về phần mình, Nga luôn phủ nhận những cáo buộc đó của phương Tây.

Trong một cuộc gặp với ngoại trưởng các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 4/12 tại trụ sở khối ở Brussels, ông Pompeo đã thông báo về dự định của ông Trump về rút Mỹ khỏi INF.

Lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu, các nước đồng minh của Mỹ trong NATO kêu gọi Washington có nỗ lực ngoại giao cuối cùng trước khi rút khỏi thỏa thuận.

"Nga có một cơ hội cuối cùng để chứng tỏ họ tuân thủ thỏa thuận. Nhưng chúng tôi cũng phải bắt đầu chuẩn bị cho khả năng thỏa thuận này bị phá vỡ", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu với báo giới.

Đức, Hà Lan và Bỉ đặc biệt lo ngại về khả năng tên lửa Mỹ được triển khai trở lại ở châu Âu. Hồi thâp niên 1980, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, tên lửa Mỹ đã dẫn tới những cuộc biểu tình phản đối Mỹ quy mô lớn ở các nước này.

Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận INF thì đó sẽ là một nguồn áp lực nữa đối với mối quan hệ giữa Washington với đồng minh trong NATO. Mối quan hệ này vốn đã trở nên lung lay khi ông Trump đưa ra yêu cầu các nước khác trong khối phải chi tiêu quốc phòng nhiều hơn. Ngoài ra, giới ngoại giao cũng tỏ ra lo ngại khi Mỹ thiếu một chiến lược rõ ràng trong việc rút khỏi INF.

"Dựa trên thực tế, Mỹ công bố Nga vi phạm thỏa thuận và Mỹ sẽ dừng các nghĩa vụ của mình theo quy định trong thỏa thuận sau 60 ngày trừ phi Nga chứng minh được họ tuân thủ thỏa thuận đầy đủ, một cách có thể kiểm chứng", ông Pompeo tuyên bố.

Mỹ đã nói sẽ buộc phải lập lại thế cân bằng quân sự ở châu Âu bằng cách triển khai tên lửa ở khu vực sau khi rút khỏi INF, nhưng ông Pompeo không nói chi tiết.

Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ cho rằng Washington tự đặt mình vào thế bất lợi khi ở trong INF, bởi Trung Quốc, Iran và Triều Tiên không tham gia thỏa thuận này.

Được đàm phán bởi Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev và được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, thỏa thuận INF quy định xóa bỏ tên lửa tầm trung khỏi kho vũ khí của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, giảm khả năng hai nước này mở một cuộc tấn công hạt nhân trong thời gian ngắn.

Thỏa thuận quy định Mỹ và Nga "không sở hữu, sản xuất, hay thử nghiệm" tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500-5.500 km, hoặc "sở hữu và sản xuất thiết bị phóng của những tên lửa như vậy".