08:46 04/08/2022

Nga-Đức tiếp tục “ông nói gà, bà nói vịt” về turbine mang đi bảo dưỡng của Nord Stream 1

An Huy

Đức công bố hình ảnh của turbine đã bảo dưỡng xong và nói turbine hoàn toàn sẵn sàng để được Nga nhận lại, trong khi Nga nói vẫn còn trở ngại đối với việc đưa turbine về Nga...

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) bên turbine của Nord Stream 1 tại nhà máy của Siemens Energy ngày 3/8 - Ảnh: Getty/NYT.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) bên turbine của Nord Stream 1 tại nhà máy của Siemens Energy ngày 3/8 - Ảnh: Getty/NYT.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 3/8 nói rằng Nga không có lý do gì để trì hoãn sự trở về của một turbine khí thuộc đường ống Nord Stream 1. Đây là đường ống đã được mang sang Canada để bảo dưỡng nhưng đang bị kẹt ở Đức trong cuộc đối đầu leo thang về năng lượng giữa Moscow với Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, phía Nga vẫn nói rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này đang cản trở hành trình trở về của turbine nói trên, đồng thời đề cập đến khả năng bơm khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 2.

TURBINE XUẤT HIỆN SAU THỜI GIAN “Ở ẨN”

Trong một chuyến thăm tới nhà máy của hãng Siemens Energy ở vùng Muelheim an der Ruhr, ông Scholz nói rằng turbine đang trong trạng thái có thể vận hành hoàn toàn bình thường và có thể được vận chuyển về Nga bất kỳ lúc nào, miễn là Nga sẵn sàng nhận lại turbine.

“Rõ ràng là không có một vấn đề gì gây trở ngại cho việc tiếp tục vận chuyển turbine này về Nga để lắp đặt. Turbine có thể được vận chuyển và sử dụng bất kỳ lúc nào. Chẳng hề có lý do kỹ thuật nào cho việc giảm cung cấp khí đốt cả”, tờ New York Times dẫn lời ông Scholz phát biểu trước các nhà báo.

Số phận của turbine dài 12 mét đang được cả thế giới dõi theo, trong bối cảnh các chính phủ ở châu Âu cáo buộc Nga cố tình đưa ra cái cớ không xác đáng nhằm “siết van” khí đốt để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Sự trừng phạt khắc nghiệt đã nhằm vào Nga kể từ sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 năm nay.

 

“Câu chuyện rất rõ ràng và đơn giản: turbine đang ở đây và có thể được giao ngay. Nhưng ai đó cần phải nói rằng: ‘Tôi muốn nhận’”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Cuối tháng 7 vừa qua, Nga đã giảm lượng cung cấp bơm thẳng tới Đức qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 20% công suất đường ống. Lý do mà Moscow đưa ra là turbine nói trên chưa về tới nơi để lắp đặt trở lại, trong khi một turbine khác lại có hỏng hóc và cần phải được sửa chữa.

Sau phát biểu ngày 3/8 của ông Scholz, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngay lập tức đưa ra lời phản bác. Ông Peskov nói rằng đang thiếu những tài liệu khẳng định rằng việc vận chuyển turbine nói trên “không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt”, và điều này đang cản trở việc đưa turbine trở lại Nga.

Hành trình của turbine được mang đi bảo trì của Nord Stream 1 đã được giữ kín cho tới khi turbine này xuất hiện trong chuyến thăm tới Siemens Energy của người đứng đầu Chính phủ Đức ngày 3/8. “Câu chuyện rất rõ ràng và đơn giản: turbine đang ở đây và có thể được giao ngay. Nhưng ai đó cần phải nói rằng: ‘Tôi muốn nhận’”, ông Scholz nói.

Ông Scholz cảnh báo rằng ngay cả khi Nga nhận lại turbine, Đức vẫn có thể bị Nga giảm cung cấp khí đốt và các hợp đồng khí đốt giữa hai bên có thể không được phía Nga tôn trọng.

Một nhà quản lý cấp cao thuộc Gazprom nói rằng việc vận chuyển turbine nói trên sau khi bảo trì là không đúng với quy định trong hợp đồng, rằng turbine đã được đưa tới Đức mà không có sự đồng thuận của Nga. Xuất hiện cùng ông Scholz, CEO Christian Bruch của Siemens Energy xác nhận đang đàm phán với phía Gazprom, nhưng chưa đạt thoả thuận.

Nguồn cung khí đốt sụt giảm chóng mặt và giá khí đốt tăng bùng nổ đã làm dấy lên cảnh báo suy thoái đối với Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Khu vực này cũng đang bất an cao độ về nguy cơ không có đủ khí đốt để dùng và phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông này.

Thủ tướng Scholz đã kêu gọi người dân Đức chuẩn bị tinh thần đón nhận hoá đơn khí đốt tăng cao và tiết kiệm năng lượng nhiều nhất có thể, chẳng hạn giảm thời gian mỗi lần tắm. “Đây là thời điểm mà đất nước chúng ta cần đoàn kết, và cũng là một thời điểm để chúng ta chứng tỏ khả năng mình có thể làm được gì”, ông nói.

NGA NÓI VỀ KHẢ NĂNG CUNG CẤP KHÍ ĐỐT QUA NORD STREAM 2

Tại họp báo ngày 3/8, ông Peskov cũng đề cập khả năng châu Âu có thể nhận được khí đốt từ Nga qua đường ống Nord Stream 2. Là dự án do Nga dẫn đầu, Nord Stream 2 là một đường ống chạy song song với Nord Stream 1 qua biển Baltic, nối giữa Nga và Đức. Nord Stream 2 đã xây dựng xong, nhưng bị Đức đỉnh chỉ sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng ngày 3/8, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder - người có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin - nói rằng Nga sẵn sàng đàm phán để kết thúc chiến tranh. Tuần trước, ông Schroeder đã tới Nga để gặp ông Putin.

Theo tiết lộ của ông Peskov, trong cuộc gặp này, ông Putin nói với ông Schroeder rằng từ cuối năm nay, Nord Stream 2 có thể cung cấp 27 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho EU nếu được cho phép đi vào hoạt động.

“Ông Putin đã giải thích chi tiết mọi thứ, và ông cựu Thủ tướng đã hỏi liệu có thể dùng Nord Stream 2 trong tình huống khẩn cấp hay không. Ông Putin không khởi xướng vấn đề này, ông ấy không đề xuất đưa Nord Stream 2 vào hoạt động, nhưng ông nói điều này là có thể về mặt kỹ thuật và cơ cấu phức tạp này đã sẵn sàng để sử dụng ngày”, ông Peskov nói.

Cũng theo ông Peskov, ông Putin nói với ông Schroeder rằng cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu đã giảm xuống còn khoảng 30 triệu mét khối mỗi ngày, từ mức 167 triệu mét khối mỗi ngày, sau khi Ba Lan áp lệnh trừng phạt lên đường ống dẫn khí đốt Yamal-Europ và Ukraine cản trở dòng khí đốt chảy từ Nga qua nước này sang châu Âu.

Nga-Đức tiếp tục “ông nói gà, bà nói vịt” về turbine mang đi bảo dưỡng của Nord Stream 1 - Ảnh 1

Tại Đức, ông Scholz đã phát tín hiệu rằng Nord Stream 2 sẽ không được sử dụng như một lựa chọn thay thế. “Chúng tôi đã đình chỉ quy trình phê chuẩn đường ống này, vì những lý do phù hợp. Công suất của Nord Stream 1 là đủ rồi, không hề thiếu”, ông Scholz nói.

Người đứng đầu Chính phủ Đức cũng nói rằng “có thể sẽ là phù hợp” nếu Đức duy trì vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại thay vì đóng cửa từ cuối năm 2022 như kế hoạch. Đây là một sự đảo ngược chính sách đang nhận được sự ủng hộ của dư luận Đức, xét tới khả năng Đức bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn giữa mùa đông lạnh giá ở bán cầu Bắc. Tổng cộng 3 nhà máy điện hạt nhân này chiếm 6% tổng sản lượng điện của Đức.

Hiện tại, Đức vẫn phụ thuộc vào Nga để đáp ứng 1/3 nhu cầu khí đốt, từ mức hơn một nửa trước chiến tranh. Mức độ phụ thuộc đã giảm nhiều, nhưng vẫn đủ để khiến Đức lao đao khi bị Nga giảm bơm khí đốt. Dự trữ khí đốt của Đức ở thời điểm ngày 3/8 đạt 69% công suất, nhưng giới chức nước này đang ra sức kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng khi trời còn đang ấm

Gần một nửa số ngôi nhà ở Đức được sưởi ấm bằng khí đốt. Nhà dân, cùng với những hạ tầng quan trọng như bệnh viện và cấp cứu, sẽ được ưu tiên trong trường hợp thiếu khí đốt – theo kế hoạch của Chính phủ Đức.