14:31 05/03/2021

Ngân hàng đang giữ 185.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp

Đào Vũ

Không loại trừ khả năng một số ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp để giúp khách đảo nợ

Đây là số liệu được Công ty Chứng khoán SSI công bố trong báo cáo phân tích thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2020.

Cụ thể, trong phạm vi 14 ngân hàng thương mại mà SSI theo dõi với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 76% thị phần tín dụng toàn hệ thống (không tính Agribank), tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng này đầu tư tại 31/12/2020 là khoảng 185.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2019.

Các ngân hàng đang giữ 185.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính các ngân hàng, SSI tổng hợp.

Bên cạnh đó, tỷ trọng bình quân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong tổng tín dụng của các ngân hàng này tăng từ 2,5% lên 3,2%. Các ngân hàng sở hữu lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất gồm TCB, VPB, MBB.

Tại cuối 2020, lượng trái phiếu các doanh nghiệp phi ngân hàng đang lưu hành ước khoảng 537.000 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng sở hữu khoảng 35%, thấp hơn mức 37% tại cuối 2019.

Quan sát nhanh báo cáo tài chính năm 2020 có thể dễ dàng nhận thấy, trong khi các ngân hàng thương mại nhà nước chật vật tăng trưởng tín dụng (trừ Vietcombank), thì nhiều ngân hàng thương mại tư nhân như Techcombank, VPBank, SHB, TPBank, MBB… vẫn sống khỏe vì mạnh tay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Đánh giá những con số trên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong thời điểm lãi suất đang rơi vào vùng thấp của nhiều năm thì việc ngân hàng cố gắng đa dạng hoá danh mục là điều bình thường. Đồng thời, các ngân hàng đều có bộ quy chuẩn để đánh giá sức khoẻ của đơn vị phát hành trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý đến khả năng đảo nợ của doanh nghiệp. Tức ngân hàng bỏ tiền mua trái phiếu doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp dùng chính số tiền này để trả nợ cũ tại ngân hàng.

"Trong trường hợp đảo nợ để tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp lành mạnh thì là việc tốt. Nhưng nếu đảo nợ để biến nợ xấu thành nợ tốt thông qua hành động mua trái phiếu doanh nghiệp là trái quy định, cần có thanh tra giám sát từ cơ quan quản lý để tránh rủi ro", ông Hiếu nhấn mạnh.

Đáng chú ý, mặc dù các ngân hàng gia tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2020 nhưng tỷ trọng sở hữu sở hữu của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ giảm xuống trong thời gian tới khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Bởi lẽ, dự thảo quy định tổ chức tín dụng sẽ không được mua trái phiếu của tổ chức phát hành có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các tổ chức tín dụng); không được mua lại trái phiếu đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con. 

Theo định hướng, các ngân hàng sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và trái phiếu doanh sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp. Do đó, việc các ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế hơn.