07:31 08/03/2019

Ngân hàng Trung ương châu Âu dự tính sớm nhất đến 2020 mới nâng lãi suất

Diệp Vũ

Cùng với đó, ECB mạnh tay cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone năm 2019

Chủ tịch ECB Mario Draghi - Ảnh: Getty/CNBC.
Chủ tịch ECB Mario Draghi - Ảnh: Getty/CNBC.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 7/3 lùi thời gian dự kiến cho đợt tăng lãi suất đầu tiên sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đến sớm nhất là 2020, đồng thời cung cấp thêm cho các ngân hàng thương mại trong khu vực những khoản vay dài hạn nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc.

Theo tin từ Reuters, tuyên bố trên của ECB cho thấy ngân hàng trung ương này đang thận trọng và buộc phải xem xét lại kế hoạch cắt giảm các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.

Sự thận trọng này được xem là cần thiết trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu, những bất ổn xung quanh việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) và nỗi lo mới về tình trạng nợ nần của Italy đang là những đám mây đen bao phủ nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone.

"Hội đồng Thống đốc dự kiến lãi suất chủ chốt của ECB sẽ giữ ở mức hiện tại cho tới ít nhất hết năm 2019, và trong bất kỳ trường hợp nào cũng sẽ được giữ lâu nhất nếu cần", tuyên bố của ECB có đoạn viết.

Trong lần họp trước, ECB tuyên bố sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục cho tới hết mùa hè năm nay. Sự thay đổi lập trường trong lần họp này của ECB khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất ngờ.

Ngoài việc kéo dài thời gian giữ lãi suất thấp kỷ lục, ECB còn tung Chương trình Tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu lần thứ ba (TLTRO III) với các khoản vay 2 năm nhằm giúp các ngân hàng đảo nợ số khoản vay có tổng trị giá 720 tỷ Euro trong chương trình TLTRO hiện tại, tránh để xảy ra tình trạng thắt chặt tín dụng có khả năng khiến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế thêm tồi tệ.

Đã 4 năm trôi qua kể từ khi ECB tung chương trình thu mua tài sản chưa từng có tiền lệ mang tên nới lỏng định lượng (QE) nhằm ngăn mức lạm phát dưới 0% trong Eurozone trở thành rào cản cho nền kinh tế khu vực vốn trở nên "dặt dẹo" sau cuộc khủng hoảng nợ công.

Chương trình QE của Eurozone đã chi tổng cộng 2,6 nghìn tỷ Euro, tương đương 2,94 nghìn tỷ USD để mua vào các loại trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và trái phiếu có đảm bảo. Tính bình quân, cứ mỗi phút chương trình này lại chi 1,3 triệu Euro để mua tài sản.

Vào tháng 12 năm ngoái, ECB kết thúc QE và phát tín hiệu sẽ nâng lãi suất vào nửa cuối 2018. Bởi vậy, việc ECB đẩy lùi thời hạn dự kiến nâng lãi suất được xem như một sự đảo ngược chính sách.

Trong một cuộc họp báo ngày 7/3, Chủ tịch ECB Mario Draghi dự báo lạm phát ở Eurozone trong 3 năm tới sẽ còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%, đặt ra khả năng cần phải có thêm các biện pháp kích thích.

Tăng trưởng kinh tế Eurozone hiện đang ở mức yếu và phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu, bởi dư địa để các chính phủ trong khu vực tăng chi tiêu là không nhiều. Dư địa để ECB tung các biện pháp kích thích mạnh cũng không nhiều, bởi ngân hàng trung ương này đã sử dụng các biện pháp kích cầu trong nhiều năm, và lãi suất vẫn đang ở mức thấp kỷ lục.

Lãi suất cơ bản của ECB hiện ở mức 0,25% đối với các khoản cho vay và âm 0,4% đối với tiền gửi.

Trong lần họp này, ECB hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2019 về mức 1,1%, từ mức dự báo tăng 1,7% đưa ra hồi tháng 12. Dự báo tốc độ lạm phát năm nay cũng giảm về 1,2%, từ 1,6% trong lần dự báo trước.

Sự điều chỉnh chính sách của ECB được đánh giá là cùng xu hướng với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Gần đây, FED đã phát tín hiệu dừng nâng lãi suất và tuyên bố sẽ dừng chương trình bán tài sản trong năm nay.