16:57 02/10/2018

Người dùng sẽ không phải ký hợp đồng sử dụng thuê bao thứ 4 trở đi?

Thủy Diệu

Quy định cá nhân ký hợp đồng với SIM thuê bao thứ 4 trở đi sẽ hạn chế việc cá nhân giao kết cung cấp, sử dụng nhiều hơn 3 SIM và không đem lại hiệu quả

Người dùng điện thoại di động tới đây có thể không phải ký kết hợp đồng theo mẫu khi sử dụng SIM thuê bao thứ tư của một nhà mạng.
Người dùng điện thoại di động tới đây có thể không phải ký kết hợp đồng theo mẫu khi sử dụng SIM thuê bao thứ tư của một nhà mạng.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa xây dựng, cho rằng, quy định cá nhân ký hợp đồng với SIM thuê bao thứ 4 trở đi sẽ hạn chế việc cá nhân giao kết cung cấp, sử dụng nhiều hơn 3 SIM và không đem lại hiệu quả.

Theo quy định đã được sửa đổi tại Nghị định 49/2017, thì "cá nhân sử dụng số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng viễn thông di động: Đối với 3 số thuê bao di động trả trước đầu tiên, phải thực hiện cung cấp thông tin và ký vào bản khai quy định tại điểm d Khoản 4 Điều này; Đối với số thuê bao thứ 4 trở lên, phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động theo từng số thuê bao".

Tuy nhiên, trong dự thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, quy định của Hiến pháp không giới hạn số lượng SIM thuê bao một cá nhân có thể đăng ký sử dụng.

Hơn nữa, với quy định phải ký hợp đồng theo mẫu của nhà mạng khi sử dụng SIM thuê bao thứ tư trở lên (của mỗi nhà mạng) sẽ hạn chế việc cá nhân giao kết cung cấp, sử dụng nhiều hơn 3 SIM, đồng thời là một biện pháp mềm đối với việc các doanh nghiệp viễn thông di động cố tình hòa mạng sẵn SIM thuê bao thông qua việc giả mạo thông tin thuê bao như lâu nay.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, sở dĩ quy định nhiều hơn 3 SIM phải ký hợp đồng là vì con số này phù hợp với quy định và thực tế đang triển khai hiện nay (mỗi người chỉ được đăng ký sử dụng 3 SIM trả trước). Tuy nhiên thực tế, mục tiêu hạn chế giới hạn bằng hình thức ký hợp đồng không mang lại hiệu quả, do doanh nghiệp không kiểm soát được việc người sử dụng chuyển quyền sử dụng mà không ký lại hợp đồng.

Bộ này lấy ví dụ: hợp đồng ban đầu sử dụng hơn 100 SIM nhưng sau đó người sử dụng chuyển quyền 20 SIM và cả người chuyển, người được chuyển đều không ký lại thì doanh nghiệp không thể kiểm soát được. Do đó, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định trên thực sự không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Với quan điểm trên, trong dự thảo nghị định mới để thay thế Nghị định 49, Bộ Thông tin và Truyền thông không đề cập đến việc giới hạn số SIM được sở hữu và việc phải ký kết hợp đồng đối với SIM thuê bao thứ tư trở lên (như trong Nghị định 49).

Tuy nhiên, dự thảo quy định, khi cá nhân (người dùng) cung cấp thông tin cho nhà mạng (như chứng minh, thẻ căn cước…), thì thông tin thuê bao chỉ được sử dụng cho các mục đích, (a), phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; (b), phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông; và (c), phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông.

Cơ quan này cũng đề xuất các hành vi bị cấm khi cung cấp thông tin thuê bao, như cấm các hành vi giả mạo, sử dụng giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận pháp nhân của cá nhân, tổ chức khác để giao kết hợp đồng. Hành vi nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho sim khi chưa hoàn thành việc nhập, lưu giữ đầy đủ, chính xác các thông tin thuê bao cũng không được phép.

Ngoài ra, việc mua bán, lưu thông SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cũng là vi phạm pháp luật.